Yêu nghề thì nghề không phụ
Có 19 năm gắn bó với nghề tiện và cũng từng ấy năm gắn bó với Công ty TNHH Máy và thiết bị Công nghiệp Lam Uy (quận Thanh Xuân, Hà Nội), anh Nguyễn Đình Tường, Thợ tiện - Tổ trưởng Tổ gia công chính xác luôn nỗ lực học hỏi, tìm tòi để tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho công ty, được ban lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao.
Sau gần 20 năm tay nghề của anh đã được xác nhận bằng các danh hiệu “Công nhân giỏi làm theo lời Bác” quận Thanh Xuân năm 2022; danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2022. Anh cũng vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022. Đặc biệt, trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023 anh là một trong số 11 cá nhân được tôn vinh bởi ý chí, khát vọng vươn lên.
Để có được những kết quả như ngày hôm nay, anh Tường đã trải qua quãng thời gian dài không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Anh chia sẻ, bản thân không thể học cao nên anh đã chọn đến với nghề tiện để mưu sinh. Suốt quá trình mới vào nghề hay đến khi đã lành nghề, anh luôn có tinh thần, thái độ làm việc tích cực, luôn dồn tâm huyết để tìm tòi nhằm nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên đóng góp ý kiến chuyên môn, đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến, góp phần tạo ra những sản phẩm mẫu chất lượng, giúp công ty ký kết được những đơn hàng có giá trị.
Quãng thời gian 19 năm qua là chuỗi ngày anh không ngừng nỗ lực, cố gắng trong công việc chế tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho Công ty cũng như nỗ lực tìm các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động. "Có những sản phẩm cơ khí không bán trên thị trường, ví dụ như con dao tiện. Lúc ấy với yêu cầu công việc mình không thể ngồi chờ nên tôi đã nghĩ cách cải tiến thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu để tạo ra chi tiết chính xác nhất", anh Tường cho biết.
Từ thành công của bản thân với công việc "làm thợ", anh chia sẻ, nhiều bạn trẻ bây giờ không chịu được vất vả, mong muốn công việc nhẹ nhàng, lương cao. Tuy nhiên, "nếu các bạn không học được cao thì chọn nghề nào cũng được. Khi yêu nghề thì sẽ phát huy được khả năng của mình. Yêu nghề thì nghề không phụ, khi khả năng của mình lên cao thì thu nhập sẽ ổn định, đảm bảo cuộc sống".
Và sau mỗi sáng kiến, cải tiến ấy, anh Tường luôn cảm thấy vui mừng vì sản phẩm sẽ giúp công ty ký kết được nhiều đơn hàng, từ đó tạo sự phát triển bền vững cho công ty cũng như đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động, trong đó có anh.
Tâm sự về những thành quả đạt được, anh Tường giản dị cho biết: Nghề này không có đam mê, không yêu nghề thì không theo được vì cực kỳ vất vả. Trong thâm tâm khi chọn nghề này tôi xác định, khi chọn nghề rồi thì phải yêu nghề, phải xác định gắn bó suốt cuộc đời mình. Đã theo nghề thì phải làm sao cho hoàn thiện nhất và lấy động lực để tôi theo đuổi, gắn bó với nghề này vì đây là nguồn nuôi sống bản thân, gia đình.
Nhiều đề xuất đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Không chỉ là một công nhân có tay nghề giỏi, với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty, anh Tường luôn tích cực tham gia hoạt động công đoàn, phát huy việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Thời gian qua, anh đã tham mưu Ban chấp hành Công đoàn công ty quan tâm đến thực hiện công tác quy chế dân chủ tại cơ sở; đại diện người lao động xây dựng, đàm phán với lãnh đạo doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể; thương lượng với người sử dụng lao động để ký thỏa ước có nhiều điểm có lợi cho người lao động như: cải thiện bữa ăn cho công nhân; hỗ trợ xăng xe cho công nhân ở xa; hoặc hỗ trợ chỗ ở cho công nhân; tăng lương, thưởng năng suất, doanh thu...
Cùng với đó, anh Tường đã tham mưu Ban Chấp hành công đoàn công ty tổ chức các hoạt động thi đua, chăm lo đoàn viên theo từng tháng, từng quý như: triển khai thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua như phong trào “Lao động giỏi”, phong trào “Sáng kiến sáng tạo”, “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Người tốt, việc tốt”...
Đáng chú ý, trong thời điểm dịch Covid-19 khi công nhân ở khu cách ly không đi làm được, anh đã tư vấn Ban Chấp hành Công đoàn công ty vẫn chi trả lương đầy đủ chi người lao động. Đặc biệt, giai đoạn sau dịch, các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến thiếu việc làm, giảm thời gian làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống... Anh Tường đã tư vấn Công ty bố trí thêm nhân lực ở những khâu ít việc vào các khâu có nhiều việc để họ được tham gia sản xuất, không phải giảm thời gian làm hay phải nghỉ việc. "Chúng tôi bố trí công nhân làm ở những khâu đơn giản nhất và hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật để ai cũng có thể làm được để có thêm việc làm", anh Tường nói.
Việc truyền kinh nghiệm cho đồng nghiệp được anh Tường thực hiện thường xuyên chứ không chỉ khi bố trí cho công nhân làm xen ca. Mỗi công ty nhập về máy mới, anh Tường đều là người đầu tiên tiếp xúc, làm quen. Khi đã nghiên cứu, sử dụng thành thạo anh lại truyền đạt, hướng dẫn cho các đồng nghiệp để tất cả cùng nắm được quy trình vận hành và sử dụng thành thạo. Mặc dù là tổ trưởng nhưng anh luôn gần gũi, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc lẫn cuộc sống với thế hệ đi sau để cùng tiến bộ, hăng say lao động, sản xuất, mang lại năng suất, hiệu quả cao trong công việc.