Công phu nhưng còn mơ hồ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp ngày 27/9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến vào Tờ trình Đề án và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Gần 800 tỷ đồng cho đổi mới SGK

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, việc biên soạn SGK mới được thực hiện theo chủ trương một chương trình nhiều SGK. Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Tất cả SGK phải được Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định.

Ngoài kinh phí dự kiến 462 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, SGK…, Bộ GD&ĐT cho biết cần thêm 316,8 tỷ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương, ghi hình bài giảng phát trên mạng; hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở vùng khó khăn… Như vậy, tổng cộng kinh phí để triển khai đề án chương trình, SGK mới là 778,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư là 504,4 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách địa phương. Xung quanh việc xây dựng chương trình và SGK mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "Sẽ xây dựng, thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông bao gồm cả chương trình chung cũng như các môn học, trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý, còn SGK là một tài liệu quan trọng cùng với các tài liệu khác để học sinh học tập. Việc làm này nhằm huy động được trí tuệ, sự sáng tạo của các tổ chức cá nhân trong biên soạn SGK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của giáo viên và học sinh trong sử dụng SGK và các tài liệu phù hợp với trình độ học sinh từng vùng miền. Để triệt bỏ độc quyền trong biên soạn SGK, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Sau khi biên soạn bộ SGK sẽ tiến hành bán đấu giá bản quyền để các nhà xuất bản thực hiện, kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp ngân sách Nhà nước.

 
Giờ học của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

 
Băn khoăn về việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Đồng ý với việc xã hội hóa biên soạn SGK, nhưng nhiều ý kiến băn khoăn vì các bộ SGK khác nhau thì tính thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lo ngại: Nhiều bộ SGK sẽ làm "nặng cặp sách của học sinh" vì có thể phụ huynh, giáo viên sẽ muốn con em tham khảo nhiều sách khác nhau. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K'so Phước thì thấy Tờ trình "rất hay nhưng vẫn chung chung". Ông cho rằng, tất cả đều bắt nguồn từ sản phẩm giáo dục, vì vậy rất cần lưu ý việc dạy người trong giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, phải chú trọng dạy lịch sử cho học sinh.

Đặt vấn đề Bộ vừa tham gia biên soạn bộ SGK, vừa thẩm định thì có khách quan hay không, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị: Bộ không soạn, chỉ nên thẩm định và chọn ra một bộ chuẩn để dạy và học, còn lại các bộ khác chỉ là sách tham khảo.

Vẫn chưa hết băn khoăn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đặt vấn đề: "Nếu các trường không chọn SGK của Bộ thì sao? Lúc đó, số kinh phí đã rót cho Bộ GD&ĐT biên soạn thì phải tính thế nào?". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: "Nhiều bộ SGK nhưng bộ nào được duyệt mới dạy, vậy tài liệu giáo dục khác có duyệt không? Chương trình được tổ chức biên soạn thế nào, ban hành ra sao, có gắn với nhà trường không vẫn chưa thấy nói. Tổ chức viết sách cũng thế, một người có thể viết 7 - 8 bộ sách? Tất cả đều phải có chuẩn mực, chứ không thể lỏng thế này được".

Về vấn đề kinh phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nói: "Nếu chốt 800 tỷ đồng, sau này thành vài ngàn tỷ đồng thì tính sao? Từ 34.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Tôi sợ quá. Vì thế, có cần chốt con số không hay đưa ra hạng mục và hàng năm Chính phủ duyệt để làm".

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Đề án chuẩn bị khá công phu, nhưng tôi thấy cũng còn một số băn khoăn vì sản phẩm đầu ra là con người. Nội dung chương trình, SGK phải chuẩn bị kỹ lưỡng, phải gắn kết giữa dạy học với thi cử. Dự thảo Nghị quyết vẫn chỉ như lời bình, còn đơn giản, chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ để đảm bảo chất lượng giáo dục, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thể hiện cụ thể mục tiêu, yêu cầu, nội dung, điều kiện tổ chức thực hiện.

 
Theo Bộ GD&ĐT, việc biên soạn qua lộ trình 3 giai đoạn: Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình, SGK mới (từ tháng 1/2015 - 6/2017); xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, SGK mới, bán đấu giá bản quyền bộ SGK do Bộ thực hiện (tháng 7/2017 - 6/2018); triển khai áp dụng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019.