Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cõng rùa lên núi

Đàm Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường núi càng lên cao càng dốc, cây cối rậm rạp, dây rừng chằng chịt. Nhiều đoạn, dốc dựng đứng, gót chân người đi trước chạm cả vào mặt người đi sau. Đoàn người vẫn lặng lẽ, kiên nhẫn chặt cây, gỡ dây rừng nhích từng bước lên phía trước. Người nào cũng thở dốc, mồ hôi chảy ròng ròng, quần áo ướt sũng... Thỉnh thoảng, từ những chiếc làn gùi trên lưng một cái đầu rùa thò ra ngó nghiêng như muốn biết mình đang đi đâu?

Đoàn công tác băng suối vào rừng sâu thả rùa về với thiên nhiên.
Những “hành khách đặc biệt”
Chuyến xe chở lô động vật sau cứu hộ tái thả về thiên nhiên từ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Trung tâm) chạy suốt đêm. Đây là những “vị khách đặc biệt” nên cũng được bố trí “ghế ngồi đặc biệt” trên xe coaster 30 chỗ cho 118 cá thể gồm ba loại rùa (rùa đầu to, rùa hộp trán vàng, rùa sa nhân) và mèo rừng. Tất cả đều nằm trong danh mục các loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn. Sau gần chục giờ đồng hồ chạy trên đường, lúc 1 giờ 30 phút xe dừng lại một quán bún ngoài thị trấn nhỏ biên giới miền Trung để mọi người ăn lót dạ. Nói là dừng nghỉ nhưng xe vẫn nổ máy chạy điều hòa để đảm bảo sức khỏe cho các “vị khách”. Nửa tiếng sau, cả đoàn lại lên đường.

Rời đường nhựa, xe rẽ vào con đường đất gập ghềnh. Mặt đường bị các loại xe tải trọng lớn cày nát tạo thành các “ổ voi, ổ bò”. Hai chiếc xe bám theo nhau ngật ngưỡng bò dần từng đoạn. Chốc chốc, gặp phải hố sâu, chiếc coaster lại dềnh nghiêng như muốn đổ.
 Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng thả rùa hộp trán vàng
Đi mãi rồi cũng đến, 5 giờ 30 phút sáng, đoàn đến điểm tập kết sau khi đã làm thủ tục vượt qua hai trạm kiểm soát của bộ đội biên phòng và kiểm lâm, bảo vệ rừng. Đây là vùng đường vành đai biên giới nên công tác kiểm tra an ninh rất nghiêm ngặt, đặc biệt là không có sóng điện thoại.

Đây là lần cứu hộ có tỷ lệ thành công cao nhất đối với rùa đầu to khi đạt xấp xỉ 94% (58/62). Do đặc điểm môi trường sống nên quá trình cứu hộ phải luôn đảm bảo nhiệt độ dưới 28oC, chỗ ở riêng mỗi con một chỗ để tránh chúng cắn nhau. Rồi thức ăn phải là loài giun đất to.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng

Xe vừa dừng, Giám đốc Trung tâm Lương Xuân Hồng - Trưởng đoàn công tác phân công người khẩn trương nấu mỳ tôm ăn sáng, còn tất cả bắt tay chia rùa ra các làn nhựa để tiện vận chuyển lên núi. Sau khi hội ý, đoàn quyết định lựa chọn phương án vượt quả núi cao vào khu vực khe sâu trong rừng. Đây là lộ trình rất khó khăn, vất vả bởi phải vượt ngọn núi khá cao rồi lại luồn rừng xuống khe suối là nơi có môi trường phù hợp cho các loài rùa sinh sống. Việc leo núi đã vất vả, ngoài đồ dùng tư trang cá nhân như quần áo, tăng, võng, bạt, túi ngủ rừng... đầy một ba lô, mỗi thành viên còn phải chia nhau mang gạo, thức ăn, xoong nồi, bát đủ dùng trong ba ngày. Đặc biệt, mỗi người phải cõng theo hai làn nhựa đựng rùa. Sau gần hai tiếng chuẩn bị hành trang từ quần áo, tất chống vắt, muỗi, 7 giờ 30 phút, cả đoàn 14 người lên đường, trong đó có 5 kiểm lâm, bảo vệ rừng dẫn đường.

Luồn rừng, vượt núi

Từ nơi tập kết, đoàn phải di chuyển khoảng 7km theo đường vành đai biên phòng mới có đường lên núi.Vì là khu vực không có sóng điện thoại, địa hình rừng núi phức tạp, cây cối rậm rạp nên mọi người phải bám sát, nối gót nhau để tránh bị lạc. Ngay từ những bước đầu tiên bám dốc, Dũng - một cán bộ của Trung tâm đã trượt chân ngã. Cũng may, đoạn mới khởi đầu nên không bị lăn xuống quá xa. Trong đoàn, 5 cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng thuộc đường nên chia thành hai nhóm đi đầu dẫn đường và chốt cuối đề phòng có người lạc đội hình. Dốc núi càng lên càng dựng đứng, cây cối ken dày. Ai cũng tập trung hết tinh thần, sức lực vào mỗi bước chân để tránh không bị trượt ngã. Người trước vừa rút chân lên, người sau bước đúng vết chân ấy lên theo. Hai người dẫn đầu vừa đi vừa dùng dao đi rừng phát cây, dây mở đường cho cả đoàn. Mỗi bước chân tiến lên phía trước ngày càng nặng trĩu như có người kéo lại.
Thả rùa đầu to
Mới đi được nửa tiếng mà ai cũng thở dốc, mặt đỏ gay, mồ hôi chảy ròng ròng. Ngoài 5 kiểm lâm, bảo vệ rừng thường xuyên leo núi thì 2 điều phối viên Chương trình rùa Việt Nam tên Hà và Thắng cũng nhiều lần vào rừng nên leo núi có vẻ “nhàn nhã” hơn. Không những thế, Thắng còn đeo hai ba lô một trước, một sau, còn Hà thì lỉnh kỉnh máy quay, máy ảnh... Chốc chốc lại có ai đó hỏi: “Sắp đến chưa? Nghỉ thôi! Mệt quá rồi!”. Dốc dựng đứng, không có chỗ nghỉ nên cả đoàn vẫn tiếp tục leo, bò lên. Đi khoảng hơn một tiếng, có mấy gốc cây đâm ngang một đoạn dốc thoai thoải, cả đoàn dừng lại nghỉ. Tất cả tháo ba lô, nằm, ngồi xuống thảm lá khô tranh thủ nghỉ ngơi. Thế nhưng, vừa ngồi xuống thì lũ vắt nâu đã rào rào dựng dậy ngo ngoe bám vào tìm chỗ cắn. Vì đã trang bị trước đầy đủ tất chống vắt và cũng quá mệt nên chẳng ai quan tâm mặc lũ vắt cứ bò lổm ngổm bên ngoài tất, quần áo, chỉ con nào bám được vào tay hoặc cổ thì mới dùng bật lửa đốt cho rơi ra. Nghỉ khoảng mười phút, đoàn tiếp tục lên đường. Khi những bước chân đã nặng trĩu cũng là lúc lên tới đỉnh. Trên đỉnh, đường bằng phẳng hơn, từ đây, để xuống khe suối bên kia sườn núi phải tìm đường đi ngang theo hình chữ chi vì dốc đứng không thể đi thẳng được.

Đường xuống cũng gian nan không kém. Nhiều đoạn, cây giang, cây nứa đổ ngang ken đặc chắn hết không còn lối đi anh em lại phải chặt dọn mở đường. Khó đi là thế nhưng những chiếc làn đựng rùa vẫn phải hai tay cầm chặt không được để rơi, lăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của rùa. Cứ thế đến 14 giờ 10 phút, tức là sau khoảng 7 - 8 tiếng leo lên, tụt xuống, đi ngang, đi chéo đoàn mới đến điểm dự kiến dựng trại bên bờ suối.
 Vượt thác
Dựng lán ngủ rừng

Sau một đêm thức trắng, qua một hành trình leo núi gian nan, mọi thành viên trong đoàn cảm thấy sức lực gần như bị vắt kiệt. Thế nhưng, vừa đến nơi, anh em bảo vệ rừng, kiểm lâm đã phân công công việc cho kịp tiến độ và đề phòng mưa rừng. Theo đó, dòng suối chia thành hai nhánh nên hai người thông thạo nhất sẽ dẫn hai đoàn đi theo hai nhánh đó thả rùa đầu to. Ba người còn lại có trách nhiệm chặt cây, căng bạt làm lều ngủ đêm, nấu cơm và “làm nhà” nhốt số rùa còn lại để ngày mai thả tiếp. Phân công xong, mọi người ăn lương khô, uống vội chai nước rồi gùi những chiếc làn đựng rùa trên lưng bắt đầu hành trình lội vào khe suối thả rùa.

Công việc thả rùa tưởng đơn giản nhưng thực tế không phải vậy. Theo Hoàng Văn Hà - điều phối viên Chương trình rùa Việt Nam, tái thả động vật phải theo quy trình nghiêm ngặt mới đạt hiệu quả. Theo đó, vị trí thả mỗi con rùa đầu to cách nhau ít nhất 200m, dọc theo bờ suối. Bởi loài này sống độc lập, có phân chia lãnh thổ riêng, nếu thả chung chúng sẽ cắn nhau đến chết. Sau khi thả xong, còn phải ghi chép đầy đủ mọi thông tin như rùa số bao nhiều, đực hay cái, môi trường thả suối rộng thế nào, độ sâu nước bao nhiêu… để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu về môi trường, hệ sinh thái sau này. Chính vì vậy, việc thả rùa mất rất nhiều thời gian và phải đi rất xa. Để thả xong toàn bộ hơn 100 con rùa sẽ phải đi quãng đường dài dọc suối xấp xỉ 20km!
 Anh Hoàng Văn Hà và rùa đầu to
Vất vả là thế nhưng buổi chiều, hai đoàn đã hoàn thành việc thả 58 con rùa đầu to về rừng. Khi quay trở về lán đã gần 20 giờ, mọi người phải bật đèn pin soi đường dò dẫm từng bước. Lán đã dựng xong, mặc dù mệt, người đau ê ẩm nhưng tất cả vẫn phải giở tăng, võng ra chuẩn bị chỗ ngủ đêm. Xong việc, ai nấy lao vội xuống dòng suối nước lạnh ngắt tắm, gội thật nhanh chuẩn bị ăn cơm. Lúc này đã hơn 21 giờ đêm. Khu rừng tĩnh lặng. Thỉnh thoảng có tiếng hoẵng đi ăn đêm tác lên đâu đó quanh khu lán.

Ngày hôm sau, cả đoàn tất bật cho hành trình dài thả nốt số rùa còn lại trên những địa điểm đã được xác định trước. Mệt mỏi, gian nan, hiểm nguy nhưng ai cũng hân hoan, phấn chấn vì những chú rùa cuối cùng đã được trở về với thiên nhiên hoang dã, về với ngôi nhà hiền hòa đầy sức sống!