Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH tại Hội nghị trực tuyến công tác giảm nghèo toàn quốc, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì chiều 5/2, công tác giảm nghèo của nước ta năm 2014 đã đạt mục tiêu đề ra, nhưng chưa thực sự bền vững.

Vượt mục tiêu giảm huyện nghèo

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8 - 2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8 - 6%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014), vượt 1% so với kế hoạch đầu năm. Đó là vì ngoài thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo chung, các địa phương còn triển khai tốt các chính sách đặc thù tại huyện. Một số địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù phù hợp với thực tiễn trên địa bàn như: Hỗ trợ cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo, hỗ trợ chi phí đồng chi trả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khi đi khám chữa bệnh; hộ mới thoát nghèo được tiếp tục hưởng một số chính sách trong vòng 2 năm như: Khám chữa bệnh, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, giáo dục - đào tạo; hỗ trợ cho mỗi điểm bán trú dân nuôi có từ 30 học sinh trở lên một suất lương tối thiểu/người/tháng cho người nhận quản lý, chăm sóc các cháu học sinh bán trú... Đáng mừng hơn, có 6 tỉnh, TP đã nâng mức chuẩn nghèo, cận nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo của quốc gia.
Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững - Ảnh 1
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của cả nước nói chung chưa thực sự vững chắc, bởi hầu hết các địa phương đều cho biết, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân
Theo chuẩn nghèo, cận nghèo của TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, tính đến tháng 1/2015, toàn TP có 34.409 hộ nghèo, với 147.589 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,91% tổng số hộ dân cư. Theo chuẩn nghèo của T.Ư, Hà Nội có 11.075 hộ nghèo, chiếm 32,19% tổng số hộ nghèo của TP. Năm 2015, Hà Nội phấn đấu giảm 3.500 hộ nghèo, giảm khoảng 0,2%; không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%.
cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nguyên nhân được “mổ xẻ” là do chính sách giảm nghèo còn dàn trải, phân tán, khó thực hiện. Đặc biệt, chưa khai thác, huy động được các nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người nghèo. Và quan điểm trông chờ, ỷ lại vào vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn không ít ở một số địa phương và chính người nghèo.

Giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm

Để công tác giảm nghèo hiệu quả và bền vững, Ban Chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2010 đề ra mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3 - 4%/năm. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo và củng cố cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo; phấn đấu thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015. Giai đoạn 2016 – 2020, xác định thứ tự ưu tiên chính sách cho: Người/hộ nghèo dân tộc thiểu số đến người/hộ nghèo, tới người/hộ cận nghèo và người/hộ mới thoát nghèo… Ngoài ra, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo, biểu dương, động viên kịp thời các gương điển hình có hiệu quả về giảm nghèo, đồng thời phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, số hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5% cho thấy nỗ lực của toàn xã hội, đặc biệt là nhiều địa phương đã có cách làm, mô hình tốt. Để công tác giảm nghèo đạt mục tiêu trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác giảm nghèo để có những quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực đúng đắn, phù hợp; vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Quốc hội để thực hiện bằng được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đã đề ra; Coi giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các cấp, ngành; tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách về công tác giảm nghèo, đề xuất bỏ những chính sách kém hiệu quả, không còn phù hợp, trong đó tập trung vào đối tượng hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, theo hướng hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, gắn với bảo vệ rừng; các địa phương cần thu hút DN đầu tư sản xuất, kinh doanh tại huyện nghèo, tạo việc làm cho người nghèo; các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, người nghèo, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội cần huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực; tăng cường hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin, cơ sở hạ tầng... cho các xã, huyện nghèo.