Năm 2018, Trung tâm triển khai thực hiện tổng số 26 dạng mô hình, trong đó Trồng trọt có 11 dạng mô hình, Chăn nuôi, thuỷ sản có 8 dạng mô hình và cơ giới hóa có 7 dạng mô hình trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, nhiều mô hình đạt hiệu quả, sức lan tỏa rộng, được nông dân hưởng ứng, đánh giá cao. Về Trồng trọt, gồm: Mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 372,8ha cho năng suất đạt trên 60 tạ/ha, kết nối DN ký hợp đồng tiêu thụ 304 tấn thóc cho nông dân. Mô hình trình diễn giống ngô lai mới, ngô biến đổi gen với quy mô 55 ha, năng suất trung bình đạt trên 60 tạ/ha cao hơn 10-20% so với giống ngô khác.
Về Chăn nuôi, thủy sản gồm: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai trong 2 năm (2017-2018) trên địa bàn 3 huyện miền núi (Mỹ Đức, Thạch Thất, Ba Vì), quy mô 90 con cho 90 hộ nghèo đến nay đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, đã đẻ 16 bê con khỏe mạnh. Mô hình nuôi cá chép áp dụng công nghệ “sông trong ao” cho năng suất đạt trên 18 tấn/ha, lãi suất khoảng 200 triệu đồng/ha. Nếu nuôi ở diện tích sông tối đa, nông dân có thể thu được năng suất từ 28 – 30 tấn/ha cao hơn 3 – 4 lần so với phương pháp nuôi truyền thống. Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm càng xanh siêu đực thương phẩm cho năng suất đạt trên 2,5 tấn/1ha, cho lãi khoảng 15-200 triệu đồng/ha, tăng 18-20% so với sản xuất thông thường. Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi cá rô phi cho năng suất đạt trên 20 tấn/ha, thu lãi 80-100 triệu đồng/ha, tăng 10-15% so với sản xuất thông thường.
Đáng chú ý, đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Kubota Việt Nam giúp hỗ trợ các trạm khuyến nông xây dựng được 5 Trung tâm sản xuất mạ khay tại huyện Thạch Thất, Quốc Oai , Phú Xuyên, Chương Mỹ và Thanh Trì với năng lực sản xuất 25.000 – 30.000 khay mạ/vụ/trung tâm. Hỗ trợ 3 nhà lạnh bảo quản nông sản (trên địa bàn 3 huyện Phúc Thọ, Gia Lâm, Thạch Thất), 5 hệ thống tưới phun cho cây rau, hoa, quả (trên địa bàn 5 huyện Ứng Hòa, Thường Tín, Ba Vì, Gia Lâm, Thanh Oai). Hỗ trợ 5 hệ thống làm mát trong chăn nuôi gà với 05 hộ tham gia tại Gia Lâm, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức.
Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng và bảo toàn Quỹ Khuyến nông thành phố, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn phát triển sản xuất của nông dân. Tính đến hết năm 2018, Quỹ Khuyến nông thành phố đạt 193 tỷ đồng, trong đó kinh phí phát triển sản xuất là 142,2 tỷ đồng, kinh phí phát triển cơ giới hóa là 50,7 tỷ đồng. Năm 2018, Trung tâm đã giải ngân cho 258 phương án với số tiền hơn 80,3tỷ đồng.
Năm 2019, Trung tâm tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình 02-CT/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông. “Nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm trong năm 2019 là tiếp tục xây dựng triển khai các mô hình hiệu quả gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh đưa công nghệ cao, cơ giới hoá vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản cũng như tăng thu nhập cho nông dân” - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết.
Với những thành tích đã đạt được trong năm 2018 và những đóng góp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều cá nhân, tập thể của Trung tâm đã vinh dự được Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen; Sở NN&PTNT Hà Nội tặng Giấy khen…