Tập dượt toàn diện công tác tổ chức thi
Ngày 5/4, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cùng đoàn công tác Sở GD&ĐT Hà Nội đã đến kiểm tra điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng - Ba Đình. Đây là điểm thi khảo sát của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng và THPT Hoàng Long với 749 học sinh. Tổng số phòng thi tại điểm khảo sát này là 32 phòng; trong đó thi toán và văn là 32 phòng, thi tiếng Anh là 31 phòng, thi tổ hợp khoa học tự nhiên là 12 phòng và thi tổ hợp khoa học xã hội là 20 phòng.
Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng Nguyễn Thị Nhâm Huyền cho biết, để làm tốt công tác coi thi, điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng có 64 cán bộ coi thi và 5 cán bộ giám sát. Cụm Ba Đình – Tây Hồ tổ chức đoàn giám sát các điểm thi trên địa bàn cụm trong suốt thời gian diễn ra các bài thi của các môn thi.
Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, công tác tổ chức khảo sát tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng diễn ra nghiêm túc, quy củ; đúng quy chế. Trường bố trí một khu vực riêng đựng vật dụng không được phép mang vào phòng thi của thí sinh và đảm bảo cách phòng thi tối thiểu 25m.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, kỳ khảo sát học sinh lớp 12 được Sở GD&ĐT Hà Nội duy trì đã nhiều năm nay và là điểm nhấn của ngành giáo dục Thủ đô.
Kỳ khảo sát hướng đến 2 mục đích: thứ nhất là để xác định năng lực thực tiễn của học sinh ở từng môn, từ đó có giải pháp, cách thức cụ thể, phù hợp từng đối tượng học sinh, giúp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ hai, kỳ khảo sát là bước rà soát, kiểm tra các điều kiện (cơ sở vật chất, nhân sự, quy trình…) của các điểm thi để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng diễn ra nhưng mỗi năm lại có những khác biệt vì vậy công tác triển khai thực hiện có vai trò rất quan trọng. Sở GD&ĐT đề nghị các thầy cô làm công tác coi thi, giám sát phát huy hết tinh thần trách nhiệm và không chủ quan trọng mọi tình huống”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Trước đó, Hà Nội cũng tổ chức bài khảo sát cho học sinh lớp 11 để vừa đánh giá năng lực học sinh, điều chỉnh kế hoạch dạy học và ôn tập; vừa để học sinh làm quen với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tăng bản lĩnh và sự tự tin cho thí sinh
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/4. Toàn TP chia làm 16 cụm thi; tổ chức tại 273 điểm thi với tổng số hơn 116.000 học sinh đăng ký dự khảo sát. Toàn TP có 4.850 phòng thi và huy động 12.125 giáo viên tham gia công tác coi thi và giám sát.
Đối tượng tham gia khảo sát là học sinh lớp 12 đang học tại các trường THPT (công lập, tư thục) và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên phạm vi toàn TP Hà Nội.
Tham dự kỳ khảo sát, học sinh lớp 12 THPT làm 4 bài thi, trong đó có 3 bài bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 1 bài tự chọn là khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn: vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Học viên lớp 12 học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kiểm tra, khảo sát 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc là ngữ văn, toán và 1 bài tự chọn là khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn: vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn: lịch sử và địa lý).
Về thời gian làm bài: môn Toán thi trong 90 phút, môn ngữ văn thi trong 120 phút, môn ngoại ngữ thi trong 90 phút; mỗi bài thi thành phần thi trong 50 phút.
Sáng 5/4, học sinh thực hiện bài thi môn ngữ văn. Cũng tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng, một số thí sinh rời phòng thi khi mới hết 2/3 thời gian làm bài.
Em Đinh Gia Chính Bách cho biết, em có nguyện vọng xét tuyển đại học tổ hợp A01 (toán, lý, tiếng Anh) nên văn không phải là sở trường. Sau khi làm xong bài khảo sát môn văn, em thấy mình còn khá nhiều kiến thức chưa nắm vững. Thời gian tới, ngoài việc tăng cường các môn thi tốt nghiệp tổ hợp A01, em sẽ tăng cường ôn tập thêm kiến thức môn văn để đạt điểm tốt hơn trong kỳ thi chính thức.
Theo Chính Bách, khi hết 2/3 thời gian làm bài, em thông tin cho thầy cô giám thị là muốn nộp bài. Sau đó, em được các thầy cô mời lên nộp bài, ký tên, nộp lại đề thi, giấy nháp và ra khỏi phòng thi. Các thầy cô cũng dặn em cần nghỉ ngơi, giữ sức khỏe để thi tốt các môn sau.
Nhận xét về đề thi ngữ văn, học sinh Nguyễn Huy Hoàng, Trường THPT Phan Đình Phùng cho hay: "Đề thi phù hợp với khả năng và em đã làm bài khá tốt. Phần nghị luận xã hội “cách ứng xử cần có của tuổi trẻ trong thời đại công nghệ số” làm em thấy thú vị vì dễ viết, gần gũi với bản thân. Phần nghị luận văn học vào bài Vợ chồng A Phủ. Đây là tác phẩm em rất thích nên em viết được khá dài. Với bài làm của mình, em cầm chắc đạt trên 8 điểm môn văn”.
"Qua phổ biến của các thầy cô, em được biết kỳ khảo sát giúp học sinh lớp 12 làm quen với tâm lý phòng thi và với áp lực thời gian để khi bước vào kỳ thi chính thức sẽ không bị ngợp hay lo lắng, mất bình tĩnh. Với đề ngữ văn, em thấy độ khó vừa phải, khá tương đồng với đề minh họa đã công bố. Trước khi bước vào kỳ thi này, em đã chuẩn bị tâm lý và kiến thức vững để làm bài đạt kết quả tốt nhất", em Vũ Lê Khải, lớp 12D8 Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ.
Theo lịch, chiều 5/4, học sinh làm bài khảo sát môn toán; sáng 6/4, học sinh làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên/khoa học xã hội, chiều 6/4, học sinh làm bài thi tiếng Anh.