Công trình xanh: Giải pháp cho đô thị bền vững

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quỹ đất trong vùng nội đô Hà Nội ngày càng hạn hẹp, trong khi nhu cầu về nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gia tăng, đã đặt ra yêu cầu cho công tác quy hoạch phải kết hợp hài hòa giữa phát triển hạ tầng gắn với công trình xanh.

Công viên Hòa Bình - một công trình xanh của TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nỗ lực theo hướng đô thị xanh

Theo Thạc sĩ Quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh, trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh đã đặt Hà Nội phải quan tâm nhiều hơn đến sự cân bằng với bảo vệ môi trường sống để có thể phát triển một cách bền vững. Trong đó có chiến lược phát triển “thành phố xanh” thông qua việc thúc đẩy các dự án, công trình xanh; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng...

Về yếu tố tự nhiên, Hà Nội có hệ thống cây xanh, mặt nước tương đối dày đặc. Trong giai đoạn 2016 – 2020, TP đang triển khai dự án 1 triệu cây xanh, tạo ra sự đồng bộ và đa dạng sinh học. Yếu tố mặt nước cũng có vai trò rất lớn trong đô thị, có tác dụng điều hòa, hỗ trợ thoát nước, đồng thời các hồ trong đô thị còn góp phần gắn kết không gian kiến trúc xung quanh tạo nên một bản sắc riêng cho Hà Nội. Ngoài một số hồ như hồ Tây, Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Thiền Quang, Linh Đàm, Giảng Võ, Thành Công, Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân… Hà Nội còn có tới 13 con sông chảy quanh, tạo ra một không gian xanh tự nhiên đặc biệt.
Cần phát triển nhiều hơn hệ thống giao thông công cộng, sử dụng đèn led tiết kiệm năng lượng tại các công trình công cộng, công trình dân dụng. Bên cạnh đó là giải pháp sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng sẽ góp phần to lớn trong bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm, giảm chi phí xử lý phế thải.

Thạc sĩ Quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh
Những năm gần đây, việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội cũng mang lại sự hấp dẫn cho Thủ đô bởi những khu đô thị xanh được mọc lên, tạo ra môi trường sống gắn kết cộng đồng với thiên nhiên, nổi bật với các dự án đô thị xanh như Time City, Gamuda City, Vinhomes Riverside... Trong thời gian tới, khi đô thị hóa lan rộng ra các vùng ngoại thành thì TP lại có thêm nhiều đô thị vệ tinh được đầu tư với tiêu chí “đô thị thông minh” hội tụ đầy đủ các tiêu chí của một đô thị hiện đại, bảo vệ môi trường và góp phần nâng tầm chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô. Mặc dù TP Hà Nội đang nỗ lực phát triển theo hướng đô thị xanh, song ông Trần Tuấn Anh cho rằng, việc sử dụng quỹ đất phát triển không gian xanh phục vụ cảnh quan và đời sống người dân đô thị vẫn chưa được khai thác hợp lý.

Cùng với quan điểm trên, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, các công trình hạ tầng xã hội trong nội đô, đặc biệt là các chung cư và nhà cao tầng diện tích dành cho cây xanh rất thấp. “Nhiều dự án còn tận dụng hạ tầng cây xanh có sẵn để hợp thức hóa tình trạng thiếu cây xanh của dự án mình” - ông Trần Ngọc Chính nói.

Lợi ích từ sử dụng năng lượng tái tạo

Ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm, để tạo ra một đô thị xanh đảm bảo cho phát triển bền vững không chỉ dựa vào các yếu tố sinh thái tự nhiên hay các công trình xanh (công trình sinh thái) mà nó là một tổng thể có sự lồng ghép, thống nhất của chiến lược phát triển, công tác quy hoạch đô thị, các chương trình sử dụng năng lượng trong đô thị... Một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển đô thị xanh không chỉ Hà Nội mà các TP lớn trong cả nước đều có thể tham khảo và đưa vào thực tế, đó là giảm tiêu thụ các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, thời gian gần đây, khi nhu cầu của người dân đô thị có xu hướng tiêu dùng ổn định và xanh hóa đời sống thì nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đã chú trọng đầu tư vào cảnh quan các khu đô thị mới. Việc giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước giúp cân bằng môi trường sinh thái. Đồng thời tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch, vui chơi giải trí dọc các tuyến sông nối kết với các không gian xanh, các trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội lớn của TP và khu vực nội đô lịch sử là yếu tố cơ bản để tạo ra các đặc trưng, bản sắc riêng của đô thị Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần