70 năm giải phóng Thủ đô

Công trình Zero năng lượng: Từ ý tưởng đến hiện thực

Lan Hương (Theo Inhabitat)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công trình Zero năng lượng là công trình tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch bằng 0 và có lượng phát thải carbon cũng bằng 0.

Các công trình kiến trúc hiện chiếm 40% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Đây là nguyên nhân ra đời các công trình Zero năng lượng nhằm làm giảm phát thải nhà kính, ngăn ngừa tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiều dự án từ khắp nơi trên thế giới chứng minh rằng công trình Zero năng lượng là khả thi.
Các công ty xây dựng và các nhà phát triển bất động sản đã và đang dịch chuyển hướng sang kinh doanh công trình Zero năng lượng. Xu hướng này không chỉ bắt gặp ở một quốc gia mà đang là đích đến của toàn cầu.
Liên minh Nhà ở Zero năng lượng ở Canada dự đoán, tất cả các công trình kiến trúc mới tại Canada sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn Zero năng lượng vào năm 2030. Trong khi đó, Na Uy hiện cũng đang đầu tư để phát triển công nghệ mới và các giải pháp để hỗ trợ công trình tiếp cận mục đích Zero năng lượng.
Anh đã đi đầu trong công nghệ Zero năng lượng từ năm 2002 và chính phủ tuyên bố, tất cả các ngôi nhà mới sẽ có thiết kế sử dụng Zero năng lượng vào năm 2016. Có thể kể đến là tổ hợp Zero năng lượng Beddington/BedZED tại miền Nam London. 
Tổ hợp Zero năng lượng Beddington/BedZED của Anh.

Năng lượng được tái tạo từ việc ứng dụng công nghệ các pano năng lượng mặt trời và chất thải hữu cơ. BedZED dành được nhiều giải thưởng bao gồm giải thưởng Năng lượng Toàn cầu 2002 và năm 2003 và là nguyên mẫu cho các công trình Zero năng lượng trên toàn cầu.
Hay công trình nhà ở Charlotte (Mỹ) thiết kế bởi Công ty kiến trúc Pill-Maharam. Tòa nhà đã nhận được Chứng nhận ENERGY STAR, Chứng nhận Vermont Builds Greener. Tòa nhà Charlotte là kết quả của sự phối hợp rất nhiều các chiến lược xây dựng Zero năng lượng bao gồm việc sử dụng vật liệu xây dựng chất lượng cao để đảm bảo tiết kiệm năng lượng cho một công trình.
Tòa nhà Charlotte (Mỹ). 
Tòa nhà Charlotte cũng sử dụng năng lượng mặt trời thụ động, cho phép một tỷ lệ ánh sáng mặt trời nhất định thông qua lớp kính trên tường phía đối diện để lưu giữ nhiệt. Ngoài ra, tòa nhà sử dụng điện năng bằng sức gió phục vụ các hoạt động hàng ngày từ nấu ăn đến chiếu sáng.
 Tòa nhà CSI-IDEA của Tây Ban Nha. 
Tại Tây Ban Nha, tòa nhà CSI-IDEA sử dụng thiết kế độc đáo để giảm tải năng lượng tổng thể bằng cách tận dụng năng lượng mặt trời. Ngoài ra, điều hòa không khí và ánh sáng hiệu quả cũng làm giảm tiêu thụ năng lượng.
Hay với tòa nhà Casa Rosset (Italia), các kiến trúc sư hướng đến mục tiêu tiêu thụ năng lượng tối thiểu. Được xây dựng bên cạnh một ngọn núi, thiết kế này cho phép tòa nhà có hệ thống cách nhiệt tự nhiên. Ánh sáng tự nhiên được tận dụng qua nhiều cửa sổ. Bên cạnh đó, năng lượng cho ngôi nhà được tạo ra từ năng lượng địa nhiệt và nguồn năng lượng mặt trời.
Tòa nhà Casa Rosset (Italia). 
Còn ở khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia công bố công trình Zero năng lượng đầu tiên vào năm 2009. Đây là công trình xây dựng gồm các lớp học, thư viện, văn phòng của Học viện Xây dựng (BCA).
Học viện Xây dựng BCA của Singapore là công trình Zero năng lượng đầu tiên của Đông Nam Á. 
Thiết kế của học viện được nghiên cứu kỹ lưỡng về hệ thống mái, ngoại thất, lắp đặt các pano mặt trời để khai thác năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả tổng thể của công trình. Kết quả là công trình đạt 40 - 50% hiệu quả năng lượng sử dụng hơn so với các tòa nhà văn phòng tương đương.