Xã hội hóa phải là tạo ra một môi trường pháp lý để các nguồn lực trong xã hội tham gia cao nhất vào công tác chăm sóc sức khỏe, cả dự phòng, điều trị, và phục hồi chức năng.
Đừng thương mại hóa bệnh viện công
Càng đẩy y tế đi theo “định hướng thị trường”, càng thương mại hóa y tế, càng thúc đẩy tư nhân hóa y tế công lập… chỉ càng làm đớn đau thêm cho người làm y tế có tâm, người bệnh nói riêng, và cho chung toàn xã hội! Chăm sóc y tế phải là động lực đồng thời là yếu tố trực tiếp giảm nghèo, không thể là yếu tố gây nghèo! Y tế phải đóng góp cho sự bình đẳng, không phải để làm rộng thêm bất bình đẳng xã hội!
Khi đã đẩy cả hệ thống y tế công chạy theo mục tiêu phát triển “dịch vụ vì lợi nhuận”, trong một môi trường pháp lý cho y tế chưa phát triển tương xứng với toàn cầu hóa (cả 3 khâu lập pháp, hành pháp, tư pháp cho mảng y tế đều yếu), đi kèm với thiếu vắng chủ thể y tế phi lợi nhuận và sự nghèo nàn hoạt động của khối tư vấn phản biện độc lập vì dân, cộng thêm sự “can thiệp vì lợi nhuận” của các ngành công nghiệp dược, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, công nghệ y tế... hậu quả ắt sẽ phải đến là một “thị trường chăm sóc sức khỏe” méo mó: Y tế công thực chất là “công - tư lẫn lộn”, y tế tư thì sống “tầm gửi quan hệ” theo y tế công cả về con người và chuyên môn!
Cả hai chủ thể y tế công - y tế tư “cùng khai thác thị trường” lấy bệnh nhân làm nguồn thu, trong sự thiếu vắng hoàn toàn “y tế nhân đạo, phi lợi nhuận” - dẫn đến thị trường y tế đang “công - tư lẫn lộn” cả về giá và chất lượng dịch vụ! Điều này dẫn đến việc mặc dù hệ thống y tế hiện tại có phát triển trong thời gian qua nhưng thực chất chỉ là chạy theo “phát triển” dịch vụ điều trị, xét nghiệm, trang thiết bị... can thiệp trực tiếp vào bệnh nhân, khách hàng nhằm “thu hồi vốn nhanh”!
Chủ thể y tế công bị thương mại hóa, còn y tế phi lợi nhuận, nhân đạo không có hành lang pháp lý cho sự tồn tại đang là sự bất cập của hệ thống y tế Việt Nam. Cộng với sự “không chấp nhận” giám sát độc lập chất lượng dịch vụ y tế, khiến cho bất bình đẳng trong chăm sóc y tế tất yếu sẽ “không thể nào không tăng”, chi phí y tế cứ “tịnh tiến tăng dần đều”, “nghèo hóa vì chữa bệnh” không cần phải nghiên cứu cũng có kết quả: Chắc chắn đã tăng và còn tăng!
Phải tồn tại 3 chủ thể về y tế
Trong thời gian qua y tế công đã “nhuốm màu” công - tư lẫn lộn; y tế tư thì “nhuốm màu” hợp tác với “công” để cùng nhau “khai thác” cho mục đích lợi nhuận. Từ đó “đẻ” ra nhiều mặt trái của chăm sóc y tế thị trường hiện nay. Đã coi dịch vụ y tế theo hướng thị trường phải xác định 3 chủ thể: Y tế công - Y tế Tư - Y tế ngoài nhà nước phi lợi nhuận (hay còn gọi y tế cộng đồng). Mỗi chủ thể có chức năng và định hướng hành động đặc thù, bổ xung cho nhau.
Y tế công, hay y tế nhà nước, phải đúng nghĩa như tên gọi của nó, không thể “hồn tư - xác công” như hiện nay! Nó được lập ra để làm nền móng hình thành và gìn giữ mặt bằng chất lượng chăm sóc y tế cơ bản, thiếu yếu cho toàn dân! Mất y tế công, công bằng sức khỏe sẽ chỉ là lời nói suông!
Giữ và phát triển y tế công là yêu cầu đạo đức xã hội! Nhưng không thể giữ ở trạng thái “phản cảm” để các cơ sở này là nỗi ám ảnh với người dân về chất lượng dịch vụ kém, đạo đức người hành nghề kém! Vì thế, bài toán với y tế công là vấn để tổ chức lại và cải thiện “chất lượng, hiệu quả”, cả về chuyên môn và đạo đức!
Trong các giải pháp đưa ra cho các cơ sở y tế công yếu kém, hãy biết ngoảnh mặt với “cổ phần hóa, tư nhân hóa, hay hợp tác công - tư cùng khai thác thị trường người bệnh”!
Y tế ngoài nhà nước phi lợi nhuận, hay y tế cộng đồng, do các tổ chức độc lập phi lợi nhuận lập ra, vận hành phục vụ chủ yếu cho các nhóm yếu thế, cho mục tiêu phát triển cộng đồng, cho mục tiêu nhân đạo. Được vận hành theo nguyên tắc tự chủ đăng ký phi lợi nhuận, theo hành lang pháp lý dành cho tổ chức phi lợi nhuận như các nước tiên tiến đã làm.
Y tế tư đáp ứng các nhu cầu thị trường, làm giàu thêm sự chọn lựa cho người dân, và rõ ràng, chủ yếu phục vụ cho tầng lớp có tiền trong xã hội! Thiết lập hành lang pháp lý làm rõ sự tồn tại của 3 chủ thể trên. Nếu tư duy như vậy và làm được như vậy mới tạo ra được thị trường đúng nghĩa. Chứ hiện thị trường đang bị “méo mó” và dẫn đến sự vận hành y tế như hiện nay.