Những dãy nhà máy sơn vàng xưa cũ, tán bằng lăng cổ thụ tím biếc cả góc sân và những con người mộc mạc, chân chất… - dấu vết của Nhà máy đầu tiên được xây dựng tại miền Bắc XHCN 60 năm trước dường như còn vương vấn đâu đây. 60 năm, trải qua những thăng trầm, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Diêm Thống Nhất vẫn ngày ngày tìm tòi, đổi thay để giữ ngọn lửa diêm bền bỉ cháy. Nhà máy đầu tiên của miền Bắc XHCN Lật giở từng trang kỷ yếu, ông Nguyễn Hưng - Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc công ty tự hào cho biết, Nhà máy Diêm Thống nhất được thành lập năm 1956 là Nhà máy đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc XHCN. Năm 1993, Nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình DN với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất. Từ tháng 1/2002, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty CP với tên gọi Công ty CP Diêm Thống Nhất.
Với nhiều thế hệ cán bộ, công nhân Diêm Thống Nhất, niềm tự hào nhất của họ là được làm việc tại nơi Bác Hồ hai lần về thăm. Thấu hiểu tình cảm đó, năm nào, lãnh đạo Diêm Thống Nhất cũng tổ chức một buổi để gặp gỡ, tri ân các thế hệ đi trước. Cuộc gặp gỡ mừng mừng, tủi tủi của các cụ “tóc bạc da mồi” với hàng nghìn chuyện ôn cố, tri tân. Và câu chuyện được các cụ kể nhiều nhất là lời dặn dò của Bác Hồ trong lần đến thăm Nhà máy ngày 16/8/1956. Các cụ thuộc lòng câu Bác Hồ đã dặn: “Nhà máy ta là Nhà máy đầu tiên của miền Bắc XHCN, các cô các chú phải quản lý và sản xuất cho tốt…”. Không chỉ các thế hệ trước, thế hệ kế tiếp sau này, cũng có rất nhiều ván bộ, công nhân gắn bó hàng thập kỷ với công ty, chứng kiến sự đổi mới và phát triển của Diêm Thống Nhất qua những giai đoạn khó khăn. Qua nhiều thăng trầm, họ vẫn thủy chung gắn bó, miệt mài lao động sản xuất và công tác đóng góp để lửa diêm Thống Nhất bền bỉ cháy trong hàng triệu gia đình người dân đất Việt. Chuyển mình vững chắc Con người Diêm Thống Nhất vẫn giữ nét chân chất, thậm chí xưa cũ. Tuy nhiên, tư duy của họ lại không cũ. Từ người đứng đầu đến các cán bộ, công nhân luôn luôn xác định phải đổi mới để thích nghi với cuộc sống mới, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, sức mua nội địa và xuất khẩu giảm khiến tiêu thụ sản phẩm diêm khó khăn hơn. Trong bối cảnh ấy, Diêm Thống Nhất đã phải tự “làm mới mình” để tồn tại. Với diêm, công ty chọn giải pháp phát triển công tác thị trường bằng việc tăng tiếp thị, quảng bá sản phẩm… để giữ sản lượng và doanh thu của sản phẩm truyền thống này. Với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, công ty định hướng mở rộng sản xuất sản phẩm bao bì carton, in ấn từ năm 2006 và Bật lửa Thống Nhất vào năm 2014. Với sản phẩm bao bì carton đến nay đã tròn 10 năm chính thức đi vào sản xuất, Công ty đã trở thành nhà cung cấp bao bì carton cho nhiều đơn vị sản xuất lớn trên địa bàn. Với sản phẩm Bật lửa, Diêm Thống Nhất cho ra mắt sản phẩm bật lửa an toàn, chất lượng cao với các ưu việt như bật êm, nhẹ và có thể giữ được ngọn lửa trong môi trường gió; bật lửa châm nến cốc, châm bếp cồn an toàn… Vốn ít, quy mô nhỏ nên Diêm Thống Nhất chọn hướng đi thận trọng, đảm bảo đời sống cho người lao động và khả năng sinh lời cho cổ đông. Bước chuyển mình ấy không vượt trội nhưng vững chắc. Giữa lúc nhiều công ty “thất hứa” cổ tức với cổ đông thì năm 2015, Diêm Thống Nhất vẫn trả cổ tức mức 8%/năm. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân ở mức tương đối, bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng, vượt 8% kế hoạch. Tổng doanh thu năm 2015 đạt 103 tỷ đồng. Bền bỉ giữ lửa diêm Về kế hoạch kinh doanh, HĐQT và Ban lãnh đạo công ty xác định tiếp tục giữ vững thị phần mảng sản xuất, kinh doanh diêm truyền thống. Dù có chuyển hướng và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng trong cơ cấu ngành nghề chắc chắn diêm vẫn là sản phẩm giữ vị trí quan trọng. Từ năm 2016, nhiều cam kết khi Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế sẽ có hiệu lực. Đó là việc hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu có thuế suất giảm mạnh, thậm chí bằng 0% sẽ cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả với hàng hóa trong nước. Vì thế, diêm, bật lửa, bao bì... của Diêm Thống Nhất sẽ phải chạy đua để không mất thị phần, ngoài ra trong sản xuất của Diêm Thống Nhất còn gặp rất nhiều khó khăn, nguyên vật liệu đầu vào sử dụng trong sản xuất các sản phẩm diêm của công ty chủ yếu là gỗ, nguyên liệu này chiếm gần 50% đối với diêm, giấy khoảng 70% đối với sản phẩm bao bì và các hóa chất - phụ liệu khác. Những biến động liên tục tăng về giá cả nguyên vật liệu và chi phí trong sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty. Bên cạnh khó khăn, thuận lợi của Diêm Thống Nhất là đến nay, sau hơn nửa thế kỷ xuất hiện, diêm vẫn đang có một sức hút kỳ lạ đối với người tiêu dùng Việt. Phân tích những thuận lợi và thách thức, HĐQT công ty thống nhất xác định sẽ tập trung sản xuất kinh doanh theo 3 nhóm là nhóm các sản phẩm sản xuất gồm diêm, bao bì, in ấn, bật lửa Thống Nhất; nhóm các sản phẩm dịch vụ gồm dịch vụ cho thuê nhà xưởng và dịch vụ quảng cáo trên các sản phẩm diêm, bật lửa và nhóm các sản phẩm kinh doanh thương mại. Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên công ty, ông Hưng cho biết, trước đây, vị trí đất này cũng nhiều nhà đầu tư đề nghị hợp tác chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng chúng tôi từ chối. “Mảnh đất này đã gắn bó với bao nhiêu thế hệ cán bộ công nhân công ty. Thế hệ sau như chúng tôi mà cũng đã gần 30 năm thâm niên rồi đấy”- ông nói. Dù lưu luyến nhưng ông hiểu, việc ra đi là cần thiết. “Diêm Thống Nhất phải có một nguồn lực lớn hơn cũng như vị trí phù hợp để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch di dời công ty theo chủ trương của TP. Đây không chỉ là nơi sản xuất mà còn là một địa chỉ truyền thống di tích cách mạng. Vì thế, dù đi đâu, làm gì, chúng tôi cũng sẽ giữ lại di tích của Diêm Thống Nhất một phần để xây dựng khu Văn phòng của Diêm Thống Nhất, sẽ có phòng lưu niệm để thế hệ sau có thể biết đến và thế hệ trước có chốn đi về”.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Diêm Thống Nhất. Ảnh: Nha Trang |
Những giai đoạn lịch sử: Năm 1956: Xây dựng và khánh thành Nhà máy Diêm Thống Nhất Năm 1984: Sáp nhập Nhà máy Gỗ Cầu Đuống và Nhà máy Diêm Thống Nhất thành Xí nghiệp liên hiệp Gỗ Diêm Cầu Đuống. Năm 1988: Nhà máy Diêm Thống Nhất tách ra khỏi Xí nghiệp Liên hiệp Gỗ Diêm Cầu Đuống. Năm 1993: Nhà máy Diêm Thống Nhất chuyển sang hoạt động theo mô hình DN với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất. Năm 2002 đến nay: Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty CP với tên gọi công ty CP Diêm Thống Nhất. |