Nhiều hạng mục xuống cấp
Với diện tích khoảng 50ha, Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn nhất của Hà Nội. Mặt khác, với vị trí trung tâm - 4 mặt đường Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông và Nguyễn Đình Chiểu nên đây là khu vực thu hút được rất nhiều người dân đến vui chơi, tập thể dục. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hiện nhiều hạng mục trong công viên Thống Nhất như đường đi, vỉa hè… đã rơi vào tình trạng nhếch nhác, mất an toàn cho người dân trong quá trình vui chơi, tập thể dục tại đây.
Có mặt tại công viên Thống Nhất ngày 15/3, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, mặc dù các nhân viên của Công ty Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất vẫn đang tiến hành cắt tỉa cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường… Song, những nỗ lực đó cũng không che giấu được việc nhiều hạng mục đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, tại nhiều khu vực vỉa hè quanh Hồ Bảy Mẫu phần gạch lát vỉa hè nhiều đoạn đã bị bong tróc, sụt lún… tạo thành những ổ trâu, ổ gà cỡ lớn chiếm chọn lối đi gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đặc biệt là ban đêm. Tiếp đó, tại nhiều tuyến đường nhựa trong công viên, tình trạng lún nứt cũng diễn ra khá phổ biến…
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Minh Hiếu, 65 tuổi, phường Nguyễn Du chia sẻ, trước đây, nhiều người từ các địa phương khi đến Hà Nội đã xác định công viên Thống Nhất đây là một địa điểm không thể không đến trong hành trình du lịch, tham quan tại Thủ đô, nhất là sau năm 2010, công viên được cải tạo khang trang, các hoạt động duy tu duy trì đi vào nền nếp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công viên xuống cấp về mọi mặt.
“Công viên thì rộng, những các hoạt động bổ trợ, vui chơi hạn hẹp… hạ tầng xuống cấp, nhếch nhác khiến nhiều người không còn mặn mà với niềm tự hào một thời của người dân Thủ đô” - ông Phùng Minh Hiếu chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng cho rằng, ngoài việc hạ tầng xuống cấp, nghèo nàn về khu vui chơi khiến người dân không còn mặn mà tới đây một mặt là do buông lỏng quản lý, mặt khác là do việc thu vé vào cổng không minh bạch (?). Cụ thể, nhiều người cho rằng, hiện nay, nhân viên tại công viên Thống Nhất thu phí vào cửa theo cảm tính, người nào ăn mặc lịch sự thì thu, người nào ăn mặc tềnh toàng (tập thể dục) thì lại được miễn phí.
"Mức thu phí 4.000 đồng với người lớn không phải là cao, người dân có thể chấp nhận để cùng với TP chung tay xây dựng, phát triển công viên Thống Nhất. Song, việc thu phí hay không phải đảm bảo công bằng" - một người dân ý kiến.
Cần những sự thay đổi dài hơi
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Anh Tú - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, tình trạng một số tuyến đường trong công viên bị xuống cấp là có, đơn vị cũng đã nắm được và đang thực hiện các bước để thực hiện cải tạo, sửa chữa nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân.
Liên quan đến phản ánh của người dân về những bất cập trong việc tổ chức thu phí vào cổng, ông Trần Anh Tú cho biết, hiện nay, việc tổ chức thu phí vào công viên được thực hiện theo quy định của TP Hà Nội. Theo các quy định, hiện tại, đơn vị sẽ không tổ chức thu phí vào cổng trong thời điểm tập thể dục của người dân. Song, ông Trần Anh Tú cũng cho rằng, để phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, tránh những thông tin trái chiều liên quan đến đối tượng thu phí, đơn vị cũng kiến nghị dừng thu phí vào công viên.
Trước đó, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn ngày 27/1, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, năm 2021, công viên đã đón 90.912 lượt khách vào tham quan và hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, sinh viên trường đại học, cao đẳng vào tập quân sự… Đồng thời, công ty cũng đẩy mạnh công tác cải tạo, chỉnh trang vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, tạo cảnh quan đẹp mắt, hấp dẫn khách tham quan...
Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025, công viên Thống Nhất là 1 trong 3 công viên được cải tạo cấp độ 1. Đặc biệt, TP định hướng nâng cấp công viên chuyển từ “công viên đóng” sang “công viên mở”, không còn hàng rào và mở cả về quản lý, cơ chế... Đồng thời, với đó là việc tạo lập không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông... Từ đó, nâng tầm giá trị không gian cảnh quan, tăng thêm khai thác các giá trị của công viên...
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, việc TP Hà Nội nâng cấp công viên Thống Nhất từ “công viên đóng” sang “công viên mở” là hết sức cần thiết. Song, nếu xóa toàn bộ tường rào bao quanh thì việc quản lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc nâng cấp sang “công viên mở” cũng cần có những tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự cho công viên.