Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hiện nay có khoảng 38% loài cây trên thế giới (tương đương 16.425 loài) đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng khai thác gỗ và phá rừng nhằm phát triển nông nghiệp, khai thác khoáng sản, mở rộng đường xá và các hoạt động phát triển khác.
"Chúng ta cần hành động khẩn cấp, nếu thực sự muốn bảo vệ các loài cây này," Giám đốc IUCN Grethel Aguilar chia sẻ trong một cuộc họp báo tại Cali.
Hội nghị lần này là cuộc gặp thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD) của LHQ và có nhiệm vụ triển khai 23 mục tiêu đã được xác định trong Khung Công ước Đa dạng Sinh học Kunming-Montreal năm 2022 nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm thiên nhiên trước năm 2030.
Một trong những mục tiêu chính là mỗi quốc gia sẽ tăng cường bảo vệ 30% diện tích đất và biển của mình trước năm 2030, mục tiêu được gọi là "30-by-30." Tính đến thứ Hai (28/10), chỉ 17,6% diện tích đất và nước ngọt toàn cầu đang được bảo vệ, theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP). Thành tựu hiện tại còn rất xa so với mục tiêu 30%, trong khi nhiều quốc gia chưa đưa ra cam kết thời hạn.
Cam kết bảo vệ đại dương còn thấp hơn nhiều, với chỉ 8,4% khu vực biển và ven biển được bảo vệ, theo báo cáo của UNEP. Giám đốc điều hành UNEP kêu gọi các quốc gia không chỉ đáp ứng mục tiêu bảo tồn 30%, mà còn tập trung vào các khu vực có giá trị cao về môi trường, thay vì ưu tiên các khu vực hoang sơ hay có ít động thực vật.
Tuy nhiên, nhiều người đang theo dõi hội nghị COP16 với hy vọng sẽ đưa ra các phương án mạnh mẽ cho việc tài trợ bảo tồn, xem đó như một thước đo thành công của hội nghị. Các cuộc thảo luận về cách huy động hàng tỷ USD cần thiết để ngăn chặn mất đa dạng sinh học trong thập kỷ này đã gặp bế tắc vào thứ Hai (28/10), khi các đại biểu quốc gia tranh luận về việc liệu có nên lập thêm một quỹ riêng để quản lý nguồn tài chính này hay không.