Xu hướng chuyển đổi số:

Cốt lõi của thành phố thông minh

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những dự án thành phố thông minh trên khắp thế giới đã và đang biến các đô thị thành trung tâm đổi mới, sáng tạo. Những sáng kiến này hầu hết đều khai thác công nghệ tiên tiến, tận dụng dữ liệu và sự tham gia của người dân để thiết lập môi trường đô thị đáng sống.

Thành phố thông minh không có ô tô của Barcelona. Nguồn: Archdaily
Thành phố thông minh không có ô tô của Barcelona. Nguồn: Archdaily

Các dự án đô thị thông minh có thể giải quyết những thách thức đô thị phức tạp và thử nghiệm những đổi mới kỹ thuật xã hội tại một khu vực thử nghiệm “đời thực” của thành phố - hay nói cách khác là như một “phòng thí nghiệm sống”. Với tầm nhìn như vậy, nhiều thành phố đã trở thành trung tâm thử nghiệm kiến trúc toàn cầu:

Amsterdam

Trong nỗ lực hướng tới cuộc sống đô thị bền vững, Amsterdam (Hà Lan) đã nổi lên như một thành phố công nghệ cao đứng thứ 15 thế giới. Bằng cách tích hợp các giải pháp tiên tiến, thúc đẩy hợp tác và ưu tiên sự tham gia của người dân, Amsterdam đang nêu gương đầy cảm hứng cho các thành phố thông minh trên toàn thế giới.

Dự án Thành phố Thông minh Amsterdam đi đầu trong cuộc cách mạng năng lượng. Lưới điện thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối, tiêu thụ và sản xuất năng lượng hiệu quả trong thành phố.

Những lưới điện này hoạt động như một “nhà máy điện ảo”, cho phép các hộ gia đình bán bất kỳ năng lượng dư thừa nào được tạo ra từ các tấm pin mặt trời, tua-bin gió và nhà máy sinh khối cho thành phố để kiếm lời. Đồng hồ thông minh và hệ thống giám sát năng lượng theo thời gian thực tiếp tục trao quyền cho người dân giám sát và quản lý mức tiêu thụ năng lượng của họ.

Ngoài ra, dự án còn được dành riêng để xây dựng một hệ sinh thái dựa trên mô hình nền kinh tế tuần hoàn, chuyển từ sử dụng một lần sang sử dụng tài nguyên phục hồi và tái tạo. Amsterdam đang tích cực nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô mới và vạch ra các dòng nguyên liệu để đảm bảo bảo tồn các nguồn tài nguyên có giá trị. Dự án cũng nhằm mục đích thiết kế lại chuỗi sản phẩm và nguyên liệu để đạt được tính tuần hoàn cao hơn.

Điển hình, khu công nghiệp cũ Buiksloterham ở Amsterdam đang trong quá trình chuyển đổi thành một khu tích hợp không gian dân cư và thương mại sôi động. Buiksloterham hoạt động như một nơi thử nghiệm tính bền vững và tính tuần hoàn, khám phá các phương pháp sử dụng vật liệu thông minh hơn, hệ thống khép kín và áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo và địa phương.

Singapore

Singapore đã nổi lên là một quốc gia châu Á dẫn đầu thế giới về đổi mới đô thị và tính bền vững. Với cách tiếp cận có tầm nhìn, cơ sở hạ tầng toàn diện và cam kết tận dụng công nghệ, Singapore đã biến thành “phòng thí nghiệm sống” cho các giải pháp thành phố thông minh.

Một trong những trụ cột của dự án Thành phố Thông minh Singapore là hệ thống giao thông hiện đại, hiệu quả. Chính quyền thành phố này đã triển khai các giải pháp di chuyển thông minh, bao gồm mạng lưới cảm biến rộng khắp, hệ thống quản lý giao thông theo thời gian thực và các lựa chọn giao thông công cộng tích hợp.

Hành khách có thể truy cập thông tin du lịch theo thời gian thực và trả tiền cho hành trình thông qua thẻ thông minh và ứng dụng di động. Những sáng kiến này đã làm giảm tình trạng tắc nghẽn và thời gian đi lại, tạo ra một mạng lưới giao thông bền vững.

Dự án của Singapore cũng đã thúc đẩy thành công các hoạt động bền vững trong môi trường và hệ thống đô thị. Chính quyền thành phố đã triển khai các hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, như hệ thống thu gom rác thải bằng khí nén tự động nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng xe chở rác truyền thống và giảm lượng khí thải carbon. Singapore cũng đang đầu tư mạnh vào các giải pháp quản lý nước và tiết kiệm năng lượng, như lưới điện thông minh và sản xuất năng lượng mặt trời.

Tàu trên cao ở Singapore. Nguồn: Archdaily
Tàu trên cao ở Singapore. Nguồn: Archdaily

Barcelona

Trọng tâm của Dự án Thành phố Thông minh Barcelona là tầm nhìn khai thác công nghệ và dữ liệu để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Dự án được cấu trúc quanh 5 trục: các sáng kiến dữ liệu mở; sáng kiến tăng trưởng thành phố bền vững; đổi mới xã hội; thúc đẩy liên minh giữa các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, các đối tác công và tư; và cung cấp “dịch vụ thông minh”.

Dự án đã và đang tái tạo không gian đô thị để nâng cao khả năng sống và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng. Thông qua việc hồi sinh các quảng trường công cộng, công viên và khu vực thân thiện với người đi bộ, Barcelona đã tạo ra những không gian hòa nhập gắn kết mọi người lại với nhau.

Thành phố đã tích hợp các công nghệ thông minh vào những không gian này, chẳng hạn như hệ thống chiếu sáng thông minh, thùng rác thông minh và cảm biến tiếng ồn để nâng cao sự an toàn và thoải mái ở các không gian công cộng.

Trong lĩnh vực quản trị dựa trên dữ liệu, Barcelona đã trở thành hình mẫu cho các thành phố trên toàn thế giới. Thành phố đã áp dụng các sáng kiến dữ liệu mở, như Hệ điều hành Thành phố để giúp công chúng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Các sáng kiến dữ liệu mở này của Barcelona đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều ứng dụng và dịch vụ thành phố thông minh, từ các công cụ quy hoạch đô thị đến nền tảng thông tin thời gian thực.

Công dân là cốt lõi

Điểm chung của các dự án Thành phố Thông minh ở Amsterdam, Singapore và Barcelona chính là cách tiếp cận lấy công dân làm trung tâm.

Phòng thí nghiệm công dân thông minh và Cộng đồng Thành phố Thông minh đã lôi kéo rất nhiều người Amsterdam đóng góp cho tương lai môi trường sống của họ và thế hệ sau. Tại Singapore, Chương trình Học bổng Quốc gia Thông minh và Nền tảng Cảm biến Quốc gia Thông minh đã tạo cơ hội cho người dân đóng góp vào các sáng kiến thành phố thông minh.

Chính quyền thành phố Barcelona đã thành lập các nền tảng kỹ thuật số như Decidim Barcelona để cho phép người dân tham gia vào quá trình ra quyết định. Kế hoạch Thành phố Kỹ thuật số Barcelona - lộ trình chiến lược cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của thành phố - cũng được tạo ra thông qua quá trình hợp tác có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan khác nhau.

Rõ ràng, các thành phố thông minh phải là những “phòng thí nghiệm sống” thúc đẩy văn hóa đồng sáng tạo và hợp tác. Kiến trúc và thiết kế đô thị, không chỉ là lĩnh vực của các chuyên gia, mà còn định hình sâu sắc trải nghiệm tập thể của người dân. Thiết kế lấy con người làm trung tâm sẽ giúp đảm bảo rằng môi trường được xây dựng phản ánh đúng nhu cầu và nguyện vọng của đa dạng cư dân.