Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt chính thức VNX. Ảnh: Quang Thương. |
Đây cũng là nỗ lực hoàn thiện cơ chế quản lý và tổ chức vận hành thị trường nhằm đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.
Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, các mục tiêu phát triển thị trường tài chính Việt Nam 2021 - 2025 tầm nhìn 2030 yêu cầu thị trường chứng khoán (TTCK ) tiếp tục phát triển chiều rộng và sâu. Điều này đòi hỏi cần sự thay đổi mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán (GDCK). Vì vậy, việc cơ cấu tổ chức, các sở giao dịch chứng khoán hướng tới TTCK Việt Nam thống nhất, chuyên nghiệp, đổi mới mô hình quản trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số là cấp bách.Thực tế thời gian qua, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. VN-Index vượt mốc lịch sử 1.500 điểm từ khi TTCK đi vào hoạt động. Giá trị giao dịch bình quân năm 2021 đạt hơn 27.000 tỷ đồng/phiên, gấp 2 lần năm 2020. Số lượng nhà đầu tư mở mới đạt kỷ lục, riêng 11 tháng nhà đầu tư mở mới hơn 1,1 triệu tài khoản, cao hơn lũy kế 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020. Tính đến hết tháng 10/2021, quy mô vốn hóa cổ phiếu và dư nợ trái phiếu đạt trên 163% GDP năm 2020.Trong bối cảnh này, việc xây dựng thị trường công khai, minh bạch, hiệu quả, chuyên nghiệp và đặc biệt là gia tăng lòng tin nhà đầu tư là cực kỳ cần thiết. Để thực hiện mục tiêu này, vẫn còn rất nhiều việc mà Sở GDCK Việt Nam cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán phải làm trong cả ngắn và dài hạn. Theo đó, phải nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm, tạo môi trường thông thoáng công khai, minh bạch để thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả đủ sức chống chịu với các cú sốc của nền kinh tế; tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp nhà đầu tư.Đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số; tăng hội nhập quốc tế, tiếp tục chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, sớm triển khai các giải pháp để nâng hạng thị trường.Nhiệm vụ đặt ra cho lĩnh vực chứng khoán trong năm 2022 và các năm tới là hết sức nặng nề, đặc biệt từ công tác xây dựng quy chế, phân cấp, quy chế, kiện toàn đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất... để Sở GDCK Việt Nam hoạt động hiệu quả. Muốn vậy, các cơ quan quản lý thị trường phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng để “phát huy thành tích, đổi mới mạnh mẽ hơn, nhìn vào hạn chế yếu kém để thay đổi tư duy cách nghĩ cách làm để thị trường lành mạnh hơn, chất lượng hơn" như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại buổi ra mắt Sở GDCK mới đây. Có như vậy, mục tiêu xây dựng TTCK tiếp tục phát triển chiều rộng và sâu, thu hẹp khoảng cách với các thị trường thế giới và tăng lòng tin với nhà đầu tư mới thực sự hiệu quả.