Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Covid-19 bùng phát: Vận tải hành khách ngưng trệ

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát một lần nữa đã tác động tiêu cực đến hoạt động vận tải hành khách, nhất là khi cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề.

Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông gắn liền với công tác kiểm dịch. Ảnh: Hòa Thắng
Vé tàu Tết thêm phần ảm đạm
Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, thị trường vé tàu Tết Nguyên đán của ngành đường sắt khá ảm đạm. Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, vé tàu Tết bị “ế”. Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành đường sắt tung ra khoảng 200.000 vé tàu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đi lại giảm nên đến thời điểm hiện tại vẫn còn khoảng 70.000 vé tàu hỏa chưa bán được.

Nguyên nhân khiến vé tàu Tết bán chậm và ít hơn mọi năm được cho là do ảnh hưởng của dịch nên công nhân tại các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh và Bình Dương ít về quê; cùng với đó là sự thiếu vắng khách quôc tế... Ngành đường sắt đã tung ra rất nhiều gói kích cầu, giảm giá vé cũng như những chương trình khuyến mãi với hành khách đi tàu như miễn phí hoàn toàn cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm 50% giá vé cho trẻ em từ 6 - 10 tuổi. Sinh viên và công nhân khu công nghiệp chế xuất được giảm từ 5 - 10% (nếu hành khách mua vé khứ hồi cũng được giảm 10%). Tuy nhiên, những chương trình kích cầu này không giúp thị trường vé tàu Tết Nguyên đán sôi động hơn.

Thị trường vé tàu Tết vốn đã đìu hiu như vậy, được dự báo sẽ còn ảm đạm hơn nữa khi dịch bệnh Covid-19 vừa bùng phát trở lại ở Quảng Ninh, Hải Dương và lây lan ra nhiều địa phương khác. Các chuyên gia cho rằng, điểm mấu chốt ở đây là việc dịch bệnh bùng phát vào thời điểm cận Tết đã khiến nhiều người dân buộc phải thay đổi lịch trình về nhà đón Tết hoặc đi chơi Xuân. Điều này không chỉ khiến thị trường vé tàu Tết ngưng trệ mà còn có khả năng... thụt lùi. Nghĩa là sẽ có nhiều trường hợp đã mua vé tàu Tết bị trả lại hoặc thậm chí bị bỏ trống bởi nhiều người chọn phương án nghỉ Tết sớm để tránh dịch.

Tất cả vì phòng, chống dịch

Không đến mức ảm đạm như đường sắt nhưng hàng không và đường bộ cũng trải qua một mùa Tết Nguyên đán tương đối trầm lắng. Sau nhiều năm liên tục sốt vé Tết, năm nay thị trường vé máy bay không bị áp lực. Thậm chí, dù cao điểm Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng nhiều hãng vẫn còn dư khá nhiều vé. Trên website bán vé của các hãng hàng không còn khá nhiều vé Tết giá rẻ. Những đường bay “hót” như Hà Nội - TP Hồ Chí Minh giá vé năm nay tương đối “mềm”. Việc các hãng bay có kế hoạch tăng chuyến để phục vụ cao điểm Tết được dự báo sẽ khiến thị trường vé máy bay càng thêm dư thừa. Điển hình có Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) thông báo tăng hơn 2.100 chuyến bay trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nâng tổng số ghế hãng cung ứng trong dịp này lên hơn 2,4 triệu chỗ.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Quảng Ninh, ngay lập tức sân bay Vân Đồn phải tạm đóng cửa 15 ngày để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hàng loạt chuyến bay đi và đến sân bay này buộc phải hủy hoặc thay đổi địa điểm. Hiện nay, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành hàng không đã đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt để tăng cường kiểm dịch. Nhiều địa phương trên cả nước cũng đưa ra khuyến cáo người dân hạn chế đi lại vào thời điểm này để giúp công tác phòng, chống dịch và dập các ổ dịch được diễn ra thuận lợi và hiệu quả nhất. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông khẳng định, việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào thời điểm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán. “Đầu tiên là tâm lý lo ngại dịch bệnh sẽ khiến nhiều người thay đổi kế hoạch ăn Tết của mình. Thay vì về quê, đi du lịch... họ sẽ chọn phương án ăn Tết tại nhà để đảm bảo an toàn. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ vé tàu, máy bay và ô tô sẽ giảm” - TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, việc siết chặt công tác kiểm dịch là vô cùng quan trọng. Dù cho điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách nhưng đó là nhiệm vụ tối thượng. Bởi suy cho cùng, điều quan trọng nhất là đảm bảo cho mọi người dân Việt Nam đón một cái Tết an toàn, mạnh khỏe. Các DN vận tải hành khách cũng nên có điều chỉnh kế hoạch phục vụ Tết cho phù hợp với tình hình mới.
Ủy ban ATGT quốc gia vừa yêu cầu việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, đảm bảo ATGT dịp Tết phải gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, UBND các tỉnh cần yêu cầu các đầu mối vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, Bộ GTVT và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; ghi nhận, kiểm soát thông tin về hành khách tham gia giao thông, triệt để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng từ hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa.