Covid-19 “căng” trở lại tại châu Âu, nhiều nước áp phong tỏa kiểu mới

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối phó với đợt bùng phát mạnh số ca nhiễm Covid-19, các quốc gia tại châu Âu đã áp dụng những biện pháp phòng dịch mới, từ phong tỏa những người chưa tiêm chủng đến hạn chế các dịch vụ công cộng.

Dữ liệu của hãng Reuters cho thấy trong tuần trước, châu Âu chiếm hơn 50% số ca nhiễm Covid-19 mới và khoảng một nửa số ca tử vong trên toàn cầu.
 Tại Đức, các địa phương sẽ mở rộng cơ hội tiêm chủng cho người dân. Ảnh: Skynews 
Theo báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 16/11, số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu đã tăng lên 5% trong tuần trước, khiến châu lục này là nơi duy nhất ghi nhận tỷ lệ tử vong tăng trên thế giới. Ở Tây Âu, khoảng 60% người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ trong khi đó, tỷ lệ này tại Đông Âu chưa đạt tới 50%.
Để đối phó với sự gia tăng đột biến số người nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, chính phủ Hà Lan đã áp lệnh phong tỏa một phần từ ngày 13/11, dự kiến kéo dài trong ít nhất ba tuần. Theo biện pháp hạn chế mới, các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa lúc 20 giờ.  Viện Y tế công cộng Hà Lan hôm 16/11 cho biết tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 đã tăng khoảng 44% lên ngưỡng 110.558/tuần, ghi nhận số ca mắc hàng tuần cao nhất kể từ dịch bùng phát.
Tại Đức, quyền Thủ tướng Angela Merkel ngày 18/11 thông báo nước này  sẽ áp dụng quy định mạnh tay đối với những người chưa tiêm vaccine Covid-19. Theo đó, tại những khu vực có hơn 3 bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện trong tổng số 100.000 người, chỉ những người đã tiêm đầy đủ vaccine và những người đã khỏi bệnh mới được đến nơi công cộng. Đề xuất về các biện pháp hạn chế mới còn được áp dụng đối với nơi làm việc và phương tiện giao thông công cộng.
Theo Thủ tướng Merkel, nước Đức đang ở tình thế thực sự nghiêm trọng và cần phải nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn hoặc kiềm chế xu thế gia tăng ca nhiễm mới theo cấp số nhân. Cơ quan y tế Đức ngày 18/11 báo cáo nước này có thêm 63.505 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua - mức cao nhất từ đầu dịch tới nay, đưa tổng số ca nhiễm lên gần 554.000 người.
Ngày 18/11, Chính phủ Hy Lạp cũng thông báo áp đặt biện pháp hạn chế đối với người chưa tiêm ngừa vaccine. Cùng ngày, Hy Lạp đã yêu cầu các bác sĩ tư nhân ở 5 khu vực phía Bắc của đất nước hỗ trợ hệ thống y tế trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang phải chật vật đối phó với sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Tỷ lệ tử vong do nhiễm Covid-19 tại Hy Lạp đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, trong khi nước này vẫn còn khoảng 1/3 dân số chưa được tiêm ngừa vaccine.
 Ngày 18/11,hính phủ Hy Lạp cũng thông báo áp đặt biện pháp hạn chế đối với người chưa tiêm ngừa vaccine. Ảnh: AP
Cũng trong ngày 18/11, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch mới, trong đó có phong tỏa những người chưa hoàn thành tiêm chủng, sau khi nước này báo cáo số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục. Loạt biện pháp hạn chế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 22/11, yêu cầu người dân phải tiêm vaccine hoặc từng khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng mới được vào nhà hàng, các cửa hàng không thiết yếu hoặc dự sự kiện đông người.  Slovakia nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất tại Liên minh châu Âu (EU), với hơn 50% dân số vẫn chưa hoàn thành việc tiêm vaccine.
Đầu tuần này, Áo chính là quốc gia đầu tiên ban bố lệnh phong tỏa đối với các cá nhân chưa tiêm vaccine, trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực giảm sức ép lên hệ thống y tế. Động thái này có hiệu lực từ nửa đêm ngày 15/11 đối với bất kỳ công dân nào từ 12 tuổi trở lên mà chưa tiêm vaccine hoặc không phải vừa hồi phục Covid-19 trong 6 tháng. 
Áo ngày 18/11 thiết lập dấu mốc buồn khi số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày lần đầu tiên vượt 15.000 ca. Điều này buộc chính phủ phải cân nhắc thực hiện quyết định tương tự trên toàn quốc thay vì chỉ phong tỏa tất cả những người chưa tiêm vaccine Covid-19 như hiện nay. Hiện mới chỉ có khoảng 66% dân số Áo được tiêm đủ liều - một trong những tỷ lệ thấp nhất ở Tây Âu. Tỷ lệ nhiễm Covid-19 tại Áo vào hàng cao nhất châu lục, ở mức 971 ca/100.000 người.
Bên cạnh các biện pháp hạn chế, các nước châu Âu đang đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng cho người dân cũng như tăng tốc thực hiện kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường để nhanh chóng đẩy lùi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư.
Tại Đức, các địa phương sẽ mở rộng cơ hội tiêm chủng cho người dân, như các nhóm tiêm chủng lưu động, các trung tâm tiêm chủng, bệnh viện, phòng khám, bác sĩ doanh nghiệp, các sở y tế hoặc các khả năng khác. Sau khi được cấp phép vào cuối tháng 11 này, trẻ từ 5-11 tuổi cũng có thể được tư vấn để tiêm chủng từ nửa sau tháng 12 tới. Việc tiêm mũi tăng cường (sớm nhất sau khi đã tiêm đủ 5 tháng) đối với tất cả mọi người trên 18 tuổi cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Chính quyền liên bang và các bang cũng yêu cầu áp dụng quy tắc 3-G (đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh và đã làm xét nghiệm cho kết quả âm tính) tại nơi làm việc.
Trong khi đó, tại Hungary, tất cả những người làm việc tại các cơ sở y tế và dịch vụ công bắt buộc phải tiêm mũi vaccine tăng cường và yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại không gian kín từ ngày 19/11./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần