Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Covid-19 đem đến phép thử khó khăn cho châu Âu

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 lây lan mạnh mẽ tại châu Âu đã đẩy Lục Địa già vào phép thử mới.

Italia bị bỏ rơi?

Các bác sĩ cấp cứu ở Italia, tâm chấn của dịch bệnh tại châu Âu đang rơi vào khủng hoảng. Số bệnh nhân cần dùng vật tư chăm sóc đặc biệt càng gia tăng trong khi cơ sở vật chất có hạn đã buộc các bác sĩ tại đây phải chọn chỉ tập trung điều trị cho những bệnh nhân có “khả năng sống sót cao nhất”.

Với nhiệm vụ nghiệt ngã đó, các cơ quan y tế của Italia đã phải nhờ đến các quốc gia đối tác và đồng minh nguồn cung vật tư y tế khẩn cấp. Và cuối cùng họ đã đến – nhưng là từ Trung Quốc.

Chuyến bay China Eastern đã chở theo một đội ngũ y tế cùng 31 tấn vật tư bao gồm cả máy thở tới Italia trong tuần trước, chứ không phải từ quốc gia châu Âu nào. 

 Italia rơi vào tình trạng thiếu thốn vật tư nghiêm trọng để chống chọi với dịch Covid-19

Động thái này của Trung Quốc, lại càng “nhấn mạnh” sự thiếu hỗ trợ của châu Âu với Italia.  

Mặt khác, khi Italia yêu cầu cung cấp y tế khẩn cấp theo cơ chế khủng hoảng đặc biệt ở châu Âu, không có quốc gia EU nào hồi đáp. Lo sợ về sự thiếu hụt của chính mình, Đức ban đầu đã cấm xuất khẩu khẩu trang y tế và các thiết bị bảo hộ khác. 3M - một nhà sản xuất tại Berlin cho biết những hạn chế của Đức khiến họ không thể xuất hàng cho thị trường Italia. Sau đó, Berlin đã nới lỏng các quy tắc xuất khẩu, nhưng Áo lại đóng cửa biên giới với những người đến từ Italia trừ khi họ có thể chứng minh rằng bản thân không nhiễm bệnh.

Ialia liệu có bị Âu bỏ rơi? Đó là câu chuyện đã bắt nguồn từ hơn một thập kỷ trước, về một liên minh tiền tệ thiếu sự đoàn kết tập thể và kìm hãm sự phát triển khi Italia đối mặt với dòng người di cư từ Châu Phi và Trung Đông.

Thời báo Tài chính (FT) dẫn lời ông Nathalie Tocci, giám đốc Viện các vấn đề quốc tế tại Rome cho biết, đây là kịch bản đã xảy ra với Italai trong khủng hoảng khu vực đồng Euro, sau đó là cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-16 và bây giờ là cuộc khủng hoảng Covid-19. “Đó là cùng một câu chuyện cũ và những tác động chính trị có thể rất lớn”, ông Tocci nói.

Trước sự giận dữ của Rome, Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã cố gắng trấn an người Italia đứng về phía EU, hứa hẹn sự linh hoạt đối với các quy tắc thâm hụt của EU và quỹ đầu tư trị giá 25 tỷ Euro để chống khủng hoảng trên toàn khối. Nhưng những lời ấm áp từ Brussels đã sớm bị nhấn chìm bởi một tin nhắn từ Frankfurt.

Nhận xét của Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) Christine Lagarde rằng ECB không có trách nhiệm với sự chênh lệch giữa trái phiếu chính phủ Italia kỳ hạn 10 năm và Bund Đức - một thước đo chênh lệch rủi ro giữa hai khoản nợ công.

Trước thông tin này, chỉ số chứng khoán blue-chip FTSE MIB của Milan đã giảm mạnh 17% đánh dấu mức giảm lớn nhất theo ngày, vượt qua các thị trường vốn khác trong một ngày giao dịch đen tối đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Vài giờ sau khi bà Lagarde phát biểu - ECB một ngày sau đó đã khẳng định đã sẵn sàng để làm nhiều hơn nữa. Sergio Mattarella, Tổng thống Italy, đã lên tiếng cho rằng, “một quốc gia đang gặp khủng hoảng cần những sáng kiến ​​đoàn kết và không cản trở hành động”.

Phép thử trong gian khó

Theo thời báo New York (NYT), trong khi EU trì hoãn, các quốc gia thành viên phớt lờ lời kêu gọi đoàn kết, Mỹ cũng đã chọn việc “cắt đứt” cắt đứt với Châu Âu với quyết định cấm nhập cảnh trong vòng 30 ngày.

Quyết định của Tổng thống Trump theo đó tách Mỹ khỏi các đồng minh châu Âu thông qua lệnh cấm và đổ lỗi rằng EU đã thiếu hành động, thay vì đóng vai trò lãnh đạo trong hợp tác và phối hợp, khiến nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ gây ảnh hưởng đến quan hệ địa chính trị nặng nề, đặc biệt là khi chính phủ châu Âu nói rằng lệnh cấm là đơn phương áp đặt, mà không hề tham vấn trước.

 Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu Christine Lagarde. 

“Sau sự kiện 9/11 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đây là thử thách lớn thứ ba về khả năng hợp tác và khả năng hợp tác của chúng tôi (EU), vì virus không phân biệt biên giới”, bà Patrick Trazeze Stelzenmüller, nhà phân tích cao cấp người Đức của Viện Brookings cho biết. “EU cần sự bắt tay trong việc quản trị, quản lý y tế và kích thích tài khóa”, chuyên gia này cho biết.

“Đối với Liên minh châu Âu và nhóm mới trong bộ phận điều hành, Ủy ban châu Âu, do bà Ursula von der Leyen lãnh đạo, đại dịch này là một thách thức lớn”, bà Stelzenmüller nói.

“Đây là một thử thách lớn đối với Liên minh châu Âu. Dịch Covid-19 đã bổ sung thêm khó khăn bên cạnh một số cuộc khủng hoảng hiện hữu về di cư và luật pháp”, Paul Adamson, người sáng lập tạp chí Encompass nhận định. “Các giá trị Châu Âu, sự đoàn kết, gắn bó với nhau nghe có vẻ như những cụm từ rỗng tuếch, trong khi đỉnh dịch chưa biết khi nào sẽ tới”,  ông nói.

NYT thì khẳng định, nguyên tắc đoàn kết của EU đã bị xói mòn. Việc Đức và Pháp hạn chế xuất khẩu vật tư y tế vi phạm quy tắc thị trường chung châu Âu, còn quyết định của Áo và Cộng hòa Séc cấm du khách đến Italia đã  vi phạm nguyên tắc đi lại tự do.

“Rõ ràng các nước thành viên EU đã cho thấy sự thiếu hợp tác và các chính phủ chậm chạp trong hỗ trợ nền kinh tế”, theo Rosa Balfour thuộc Qũy German Marshall Fund tại Brussels.

Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bị chỉ trích vì không công bố các biện pháp mạnh tương xứng với chẩn đoán về bệnh dịch.

“Chúng tôi muốn thấy thủ tướng Đức nói rằng "EU sẽ cùng nhau làm điều này, và rằng Italia sẽ nhận được hỗ trợ thêm từ Đức”, bà Stelzenmüller chia sẻ.

Theo Charles Grant, giám đốc của Trung tâm cải cách châu Âu, nền kinh tế sẽ sớm chịu tác động từ dịch bệnh. “Khủng hoảng đồng euro có thể quay trở lại, trong bối cảnh có quá nhiều khoản nợ xấu trong các ngân hàng, đặc biệt là ở Italia”, và “hiện vẫn chưa có chế độ giải quyết ngân hàng phù hợp và không có bảo hiểm tiền gửi khu vực đồng tiền chung”, ông Grant nói.