Xin ông cho biết lái xe trong tình trạng đã sử dụng rượu bia nguy hiểm như thế nào?
Lái xe sau khi uống rượu bia bất kể nồng độ cồn trong máu cao hay thấp đều là hành động nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác trên đường.
Làm giảm khả năng nhận biết, phán đoán và phản ứng chậm khi đối phó với các tình huống nguy hiểm bất ngờ. Thiếu tập trung, hạn chế tầm nhìn, giảm khả năng phán đoán. Gây cảm giác mệt mỏi hay buồn ngủ. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến những hành vi như: chạy quá tốc độ, vượt ẩu, chuyển hướng bất ngờ, không chú ý quan sát…
Nguy cơ gây tai nạn giao thông của người sử dụng rượu bia cao đến mức nào thưa ông?
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, so với lúc không sử dụng rượu bia, người điều khiển phương tiện có nồng độ trong máu ở mức 80mg/100ml máu có xác suất gây tai nạn giao thông cao gấp 2,7 lần. Ở mức 160mg/100ml máu có xác suất gây tai nạn giao thông cao gấp 30 lần; còn với mức 240mg/100ml máu có xác suất gây tai nạn giao thông cao gấp 150 lần.
Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên do là người lái xe có nồng độ cồn trong máu, không làm chủ được tay lái. Đặc biệt có những vụ “xe điên” đâm hàng loạt người và phương tiện tham gia giao thông trên đường do tài xế “say xỉn” gây ra. Mới đây nhất, vào hồi 17 giờ, ngày 23/9 vừa qua, trên đường Hoàng Đạo Thuý (quận Thanh Xuân), trong tình trạng say xỉn, tài xế xe ô tô BKS: 15A - 758.54 đã đâm hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ.
Có nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào thưa ông?
Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy, hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, rủi ro cho cả người vi phạm lẫn cộng đồng xung quanh.
Nghị định số 100/2019/NĐ - CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, tùy theo nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, người điều khiển mô tô, xe gắn máy trên đường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính mức cao nhất tới 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày. Với người điều khiển ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể bị xử phạt tới 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.
Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông có bị xử lý hình sự không thưa ông?
Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, gây tai nạn giao thông thì tùy theo mức độ thiệt hại có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, người điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất như đã nói ở trên.
Theo ông, để giảm thiểu vi phạm nồng độ cồn cần phải làm gì?
Trong bối cảnh văn hoá giao thông còn nhiều tồn tại, việc xử phạt cần phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật phát về giao thông mới đem lại hiệu quả toàn diện.
Thời gian qua, Ban ATGT TP Hà Nội đã triển khai thường xuyên công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự, ATGT, đặc biệt là quy định “nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn” đến đông đảo người tham gia giao thông dưới nhiều hình thức, nhất là thông qua các cơ quan báo, đài của Trung ương và TP.
Ban cũng ban hành nhiều văn bản đề nghị Công an TP, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm trật tự, ATGT, đặc biệt là các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.
Công tác tuyên truyền về ATGT trong thời gian tới cần triển khai theo hướng nào thưa ông?
Thời gian tới, dự báo nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng mạnh, nhất là sau khi Hà Nội từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Để tiếp tục duy trì hiệu quả công tác tuyên truyền, Ban ATGT TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT gắn chặt với phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phối hợp và phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống thông tin tại cơ sở, vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn... trong việc lan tỏa mạnh mẽ các quy định về bảo đảm trật tự, ATGT đến đông đảo Nhân dân trên địa bàn TP.
Đặc biệt tập trung tuyên truyền quy định về đảm bảo ATGT trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời Ban sẽ tiếp tục tham mưu ban hành các văn bản đề nghị các lực lượng chức năng của TP, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, ATGT. Trong đó chú trọng vào những vấn đề nổi cộm, là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn.
Xin cảm ơn ông!