Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI 2 tháng đầu năm tăng mạnh: Cẩn trọng với chính sách tài khóa, tiền tệ

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2018, tăng 0,73% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,24% so với tháng 12 năm trước.

Từ diễn biến tốc độ tăng CPI sau 2 tháng có thể dự báo CPI bình quân năm nay có xu hướng cao lên, cần theo dõi chặt chẽ và tránh chủ quan đối với lạm phát trong cả năm.
Giá nhiều mặt hàng có xu hướng tăng

Tốc độ tăng giá CPI được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó có các góc độ chủ yếu sau một tháng (so với tháng trước), so với tháng 12 năm trước và bình quân so với cùng kỳ năm trước.
CPI 2 tháng đầu năm tăng mạnh: Cẩn trọng với chính sách tài khóa, tiền tệ - Ảnh 1
Hoạt động kiểm ngân tại Chi nhánh LienVietPostBank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cụ thể, CPI tháng 2 so với tháng 1/2018 cao hơn cùng kỳ năm trước (0,73% so với 0,23%), chủ yếu do giá hầu hết các mặt hàng tháng 2 đã tăng cao hơn so với tháng 1 như: Thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, may mặc, giày dép, bưu chính viễn thông. CPI tháng 2 năm nay cao hơn CPI của tháng 1 năm nay (0,73% so với 0,51%), chủ yếu do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống cao hơn (1,53% so với 0,44%), trong đó lương thực (1,44% so với 0,47%), thực phẩm (1,77% so với 0,56%), ăn uống ngoài gia đình (1,44% so với 0,13%), đồ uống và thuốc lá (0,75% so với 0,35%)...

Những mặt hàng này không những có giá tăng cao hơn tốc độ chung so với tháng 1, mà còn cao hơn so với cùng kì năm trước, trong khi cùng kì năm trước giảm. Từ đó dẫn đến CPI tháng 2/2018 so với tháng 12/2017 (sau 2 tháng) của năm nay cao hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước (1,24% so với 0,69%). Đơn cử như, hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn nhất, tăng 1,98% so với giảm 0,12%, trong đó thực phẩm tăng 2,27% so với giảm 0,87%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,89% so với tăng 1,23%, trong đó dịch vụ y tế tăng 2,34% so với tăng 1,57%)... Đó cũng là những mặt hàng có thể sẽ tăng cao hơn.

Từ diễn biến CPI của tháng 1, tháng 2 và sau 2 tháng có thể dự báo CPI sau cả năm nay sẽ tăng cao hơn của năm trước (2,6%).

Không thể chủ quan với lạm phát

Dù CPI bình quân 2 tháng năm nay thấp xa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (2,9% so với 5,12%) nhưng có thể dự báo CPI bình quân năm nay có xu hướng cao lên (thay vì xu hướng giảm như năm trước), cần cảnh báo phải có sự theo dõi chặt chẽ và tránh chủ quan đối với lạm phát trong cả năm để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (bình quân tăng dưới 4%).
CPI 2 tháng đầu năm tăng mạnh: Cẩn trọng với chính sách tài khóa, tiền tệ - Ảnh 2
 Biểu đồ diễn biến chỉ số CPI (nguồn: Tổng Cục Thống kê)
Trong khi đó, yếu tố tổng quát và cơ bản đối với lạm phát là quan hệ giữa tổng cung và tổng cầu. Tổng cung năm 2017 tăng cao hơn mặc dù tổng cầu trong nước cũng tăng, nhưng do tổng cầu ở trong nước vẫn còn thấp, nên hàng hóa đã xuất siêu (theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/2 cả nước xuất siêu 1.668 triệu USD).

Trong yếu tố chi phí đẩy, thì giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng USD tăng. Mặc dù giá USD bình quân tăng thấp (0,01%), nhưng do giá nhập khẩu tăng, nên chi phí đẩy vẫn tăng.

Bên cạnh đó, yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát là tài chính tiền tệ. Ngân sách nhà nước vẫn bội chi. Về tiền tệ, do tỷ lệ dư nợ tín dụng so với GDP cao (vượt qua mốc 120%), nên tạo sức ép đối với lạm phát. Lượng tiền lớn đưa ra mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối cũng tạo sức ép lạm phát, mặc dù ngân hàng đang hút tiền về.

Yếu tố tiềm ẩn và sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động. Cả hai chỉ tiêu này tuy có sự cải thiện, nhưng vẫn thuộc loại thấp so với các nước.

Yếu tố cộng hưởng của lạm phát là yếu tố tâm lý. Giá vàng tăng cao (sau 2 tháng tăng 3,55%, bình quân 2 tháng tăng 6,38%) và còn chênh lệch trên 1 triệu đồng/lượng so với giá thế giới, tạo ra tâm lý lạm phát trong dân cư. Giá USD cơ bản ổn định, nhưng vẫn cần thận trọng khi Mỹ có định hướng tăng lãi suất.