Ở gốc so sánh với tháng 12 năm trước, CPI của Thủ đô đã tăng 1,53%. Xét về con số, mức tăng CPI tháng này tương đương với mức tăng của tháng trước mặc dù có tới 2 nhóm hàng chủ yếu giảm giá là nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước, chất đốt và nhóm giao thông với các mức giảm tương ứng là 0,18% và 0,06%. Mức tăng 0,19% của tháng này chủ yếu nhờ vào lực đẩy của nhóm có quyền số cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi tăng 0,38% so với tháng trước.
Đà giảm giá liên tục của các mặt hàng lương thực đã có dấu hiệu dừng lại khi tháng này các mặt hàng này chỉ giảm bình quân 0,61% so với tháng trước. Trong khi ở các tháng trước, các mức giảm này là 0,93% trong tháng 6 và 2,26% trong tháng 7. Sở dĩ có điều này là bởi giá gạo đang nhận được những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu với các đơn hàng từ Malaysia, Phillipines trong khi nguồn cung trong nước ổn định với sản lượng vụ Đông Xuân cao hơn 20% so với cùng kỳ. Đối với các mặt hàng thực phẩm, đà tăng giá vẫn được duy trì với mức tăng 0,66% so với tháng trước. Do ảnh hưởng của các lễ hội như rằm tháng 7 vừa qua và tết Trung thu sắp tới, một số mặt hàng như trứng, đường, thịt lợn, thịt gà đã tăng đáng kể so với tháng trước. Trong khi đó, các mặt hàng đường, bánh kẹo ổn định. Bên cạnh nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá mạnh, nhóm may mặc mũ nón giày dép cũng tăng đáng kể ở mức 0,38% so với tháng trước. Về phía các nhóm hàng giảm giá, việc giá gas nhập khẩu liên tục giảm trong thời gian qua đã khiến giá gas bán lẻ trong nước giảm khoảng 20 nghìn đồng/ bình là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 0,18%. Cũng do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu các loại bán lẻ trong nước cũng đã giảm hai lần liên tiếp trong tháng qua khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,06% so với tháng trước. Các nhóm hàng khác tăng nhẹ hoặc không biến động. Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt là vàng và đô la Mỹ diễn biến cùng chiều khi cùng giảm 0,41% và 0,32% so với tháng trước.