Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPTPP sẽ thêm nét son cho quan hệ Việt Nam - New Zealand

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews khẳng định, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ thêm một nét son cho quan hệ giữa New Zealand và Việt Nam.

New Zealand và Việt Nam còn những tiềm năng phát triển nào trong quan hệ song phương, thưa Đại sứ?
Còn nhiều dư địa phát triển quan hệ Việt Nam – New Zealand về thương mại, kinh tế cũng như giáo dục, du lịch. Rõ ràng, giữa hai bên có sự cam kết chính trị từ cấp cao, thể hiện rõ qua việc Thủ tướng New Zealand tham dự hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam chỉ hai tuần sau khi nhậm chức.
Quan hệ thương mại cũng duy trì khi trong năm ngoái kim ngạch thương mai hai chiều tăng 18% với con số xuất khẩu tương đương nhau, cho thấy sự phát triển theo hướng cùng thắng (win-win).
Những dấu hiệu tích cực cũng xuất hiện trên mặt trận chính trị và quốc phòng mà minh chứng rõ nét là chuyến thăm thân thiết của Tư lệnh Lục quân New Zealand tới Việt Nam hồi tháng 4/2017. Và tôi tin chúng ta sẽ tiếp tục được chứng kiến những hợp tác quân sự như vậy trong tương lai. 
 Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews: Ảnh: Zing.vn
Đại sứ có thể chia sẻ thêm về tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước trong thời gian tới?
Hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN, Australian và New Zealand ký kết năm 2009. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng tới 150% cùng với lượng xuất khẩu tương đương, cho thấy cả hai nước đều được hưởng lợi từ việc cởi mở thương mại.
Theo tôi, việc thương mại khởi sắc giữa New Zealand và các quốc gia ASEAN không chỉ nằm ở những con số, mà còn là cơ hội để các nhà điều hành giao lưu và thấu hiểu nhau, thông qua đó thúc đẩy những luồng đầu tư xuyên biên giới.
Chúng tôi thực sự vui mừng khi mối quan hệ với Việt Nam đang ngày càng tốt đẹp vượt xa mong đợi, trong khi chúng ta vẫn cùng tham gia đàm phán một số cơ chế khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tất nhiên là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm được thông qua. CPTPP sẽ thêm một nét son cho mối quan hệ vốn sẵn tốt đẹp giữa Việt Nam và Zealand.

Vai trò của New Zealand trong việc thúc đẩy CPTPP trong năm 2018 như thế nào?
Điều chắc chắn là New Zealand đã cam kết về CPTPP. Như tôi đã đề cập, với chính phủ mới thành lập năm ngoái, New Zealand vẫn tiếp tục cam kết với CPTPP. Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ sớm được thông qua.
CPTPP đã đạt nhiều bước tiến tại hội nghị APEC năm ngoái tại Việt Nam và chúng tôi tin tưởng vào sự cam kết tiến bước vững chắc của 11 quốc gia thành viên.
TPP cũng như CPTPP bắt nguồn bởi thỏa thuận P4 được kí ban đầu bởi New Zealand, Chile, Singapore, và Brunei, với cơ chế cởi mở và sẵn sàng bổ sung các thành viên mới và minh chứng rõ nét là đã phát triển lên thành hiệp định hiện tại với 11 thành viên.  Do đó việc CPTPP có thêm thành viên mới trong thời gian hoàn toàn khả thi, nhưng trước mắt các quốc gia sẽ tập trung vào thông qua thỏa thuận hơn. Theo tôi, đây sẽ là mục tiêu cao nhất của New Zealand hiện nay, cũng như các quốc gia thành viên còn lại.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 23/1 tuyên bố 11 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định - sẽ tổ chức lễ ký kết hiệp định tại Chile vào tháng 3 tới. Thỏa thuận này đạt được trong cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản giữa Trưởng đoàn đàm phán của 11 nước trên nhằm giải quyết những vấn đề còn bất đồng.