Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cứ đúng luật mà làm!

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm khu đô thị mới được hình thành chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng chủ đầu tư chỉ chú tâm đến việc xây nhà để bán và “bỏ quên” các công trình hạ tầng công cộng, đặc biệt là trường học.

Nhiều chủ đầu tư chỉ chú tâm đến việc xây nhà để bán và “bỏ quên” các công trình hạ tầng công cộng, đặc biệt là trường học. Ảnh Hải Linh
Nhiều chủ đầu tư chỉ chú tâm đến việc xây nhà để bán và “bỏ quên” các công trình hạ tầng công cộng, đặc biệt là trường học. Ảnh Hải Linh

Việc này đã khiến hàng vạn hộ gia đình có con nhỏ vào tuổi đến trường rơi vào tình cảnh tréo ngoe.

Quá trình đô thị hóa, bên cạnh những khu dân cư hiện hữu, hàng trăm khu đô thị mới đã và đang được gấp rút đầu tư xây dựng với sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế. Không phủ nhận bên cạnh mặt tích cực là tạo ra chỗ ở cho hàng vạn hộ gia đình, các khu đô thị mới còn góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô, nhưng kéo theo đó là những áp lực ngày càng lớn lên hệ thống hạ tầng.

Mặc dù vậy, chủ đầu tư nhiều dự án đô thị mới chỉ chú tâm đến việc xây nhà để bán, nhanh chóng kiếm lời đã cố tình cắn xén, thu hẹp phần diện tích dành cho các công trình phục vụ cộng đồng. Thậm chí, không ít dự án, sau khi phần công trình xây dựng nhà đã được bàn giao cho người dân vào ở hàng chục năm nhưng phần hạ tầng công cộng vẫn không được triển khai.

Số liệu báo cáo của Sở KH&DT Hà Nội qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn Thủ đô có 266 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở quy mô từ 2 ha trở lên, nhưng có tới 168 dự án (chiếm 63%) chưa hoàn thành hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật gồm: Sân chơi, vườn hoa, trường học, bệnh viện.... Thực tế này đã kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Còn nhớ, trước khi bước vào năm học 2022 – 2023, một trường mầm non công lập tại địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), do số lượng hồ sơ đăng ký học quá đông so với điều kiện cơ sở vật chất đang có, nhà trường đã phải tổ chức tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm để có được tấm vé may rủi nhập học cho con.

Đặc biệt là ngay sau khi lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai chia sẻ, trên địa bàn quận đang thiếu 10 trường mầm non, hơn 10 trường tiểu học, mỗi năm có từ 4.000 – 5.000 trẻ em trong tuổi đi học cần phải lo chỗ ăn học, không ít người đã phải lắc đầu ngao ngán bởi không ai nghĩ rằng ở giữa Thủ đô lại xảy ra việc như thế.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, với cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm mới đây, cử tri đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc bàn giao các lô đất được quy hoạch xây dựng trường học, bãi đỗ xe... để lập dự án đầu tư phục vụ Nhân dân.

Đồng thời, kiến nghị TP hỗ trợ, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để triển khai. Trước những kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, từ thực tế này, TP phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư đô thị trên địa bàn và nêu rõ quan điểm: Tạo điều kiện hết sức cho chủ đầu tư các dự án nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định. Chủ đầu tư dự án khu đô thị phải xây dựng hạ tầng trường học, bệnh viện trước, mới cho xây nhà, bán nhà. Đối với dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm quy định sẽ cương quyết thu hồi.

Câu chuyện vì lợi ích cá nhân và vô tâm với cộng đồng của một số chủ đầu tư rất đáng lên án, đồng thời đòi hỏi TP cần quyết liệt hơn trong công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn trên quan điểm cứ đúng luật mà làm; quyền lợi phải gắn liền với trách nhiệm.