Cú sốc nữa ở Pháp

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về nhiều phương diện, vụ nổ súng khủng bố vừa rồi ở TP Nice gây tác động tai hại hơn nhiều cho nước Pháp và châu Âu so với những vụ tấn công khủng bố trước đó.

Nước Pháp nói riêng và cả châu Âu nói chung đã xiết chặt rất đáng kể mọi luật lệ về an ninh nội địa, áp dụng đến cả những liệu pháp mạnh mẽ nhất như ban bố tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ quốc gia, tăng cường quyền hạn và mở rộng phạm vi hoạt động ở mức độ lớn chưa từng thấy cho các lực lượng an ninh, cảnh sát, tình báo và mật vụ, đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và những lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria cũng như trên thế giới. Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp những tưởng đã kiểm soát được tình hình và dần được yên hàn thì giờ lại xảy ra vụ việc khủng bố này, gây thiệt hại lớn, gây tác động vô cùng tai hại về chính trị và tâm lý khi đúng vào dịp quốc khánh. Họ và cả châu Âu giờ bị cú sốc mới. Cho dù thủ phạm là IS hay một cá nhân có mối liên hệ trực tiếp với IS hay chỉ tự nhận cùng hội cùng thuyền với IS thì khủng bố vẫn là khủng bố, mục tiêu tấn công vẫn là nước Pháp nói riêng và phương Tây nói chung. Hai nhận thức trước hết có thể rút ra được từ đó là những đối sách mà Pháp và các nước châu Âu áp dụng lâu nay chưa thể đủ để ngăn ngừa nguy cơ bị khủng bố. Lại một lần nữa, khủng bố buộc chính phủ Pháp và các nước ở châu Âu nhưng thật ra đồng thời cả những nước khác trên thế giới phải xem xét lại những biện pháp cụ thể và định hướng chiến lược lâu dài nhằm chống khủng bố quốc tế, càng phải quyết tâm và nỗ lực hơn trước, càng phải cảnh giác và quyết liệt hơn trước trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Muốn triệt hạ nguy cơ khủng bố tận gốc rễ, trước tiên không được để cho khủng bố nội sinh từ bên trong nước đấy và đồng thời phải loại trừ mối đe doạ khủng bố từ bên ngoài.

Khủng bố xảy ra đặc biệt thường xuyên ở nước Pháp bởi có những lý do đặc thù riêng cho nước Pháp, nhưng cả châu Âu không thể không bị ảnh hưởng. Chính phủ Pháp cho tới nay chưa đối phó thật sự hiệu quả nguy cơ nước Pháp bị khủng bố đã đành, nhưng EU và các thành viên EU cũng đâu có hậu thuẫn thật sự đắc lực và hiệu quả nước Pháp trong công cuộc đẩy lùi nguy cơ bị khủng bố ngoài những phát biểu khuôn mẫu thể hiện cảm thông, lên án khủng bố và cam kết sát cánh cùng nước Pháp.