Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cử tri quận Tây Hồ đề nghị rà soát các mô hình chuyển đổi quản lý chợ

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều kiến nghị về công tác quản lý, vệ sinh môi trường… tại các chợ, đặc biệt là tại các chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý đã được các cử tri kiến nghị với Thường trực HĐND quận Tây Hồ và Tổ đại biểu HĐND TP ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 5, trong cuộc tiếp xúc chuyên đề “tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các chợ trên địa bàn Tây Hồ”, sáng 19/4.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, trên địa bàn quận hiện có 11 chợ, trong đó có 6 chợ thuộc Ban quản lý chợ quận quản lý (chợ Phú Gia, Quảng An, Hoa Quảng An, Yên Phụ, Tứ Liên, chợ tạm Xuân La) và 5 chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý, giao doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác (chợ Tam Đa, Dân sinh Quảng An, Nhật Tân, Bưởi, Xuân La).
Các chợ trên địa bàn hiện nay vẫn cơ bản hoạt động ổn định, các hộ đã ký cam kết về ATTP, các ngành hàng kinh doanh, đảm bảo PCCC... Tuy nhiên, cơ sở vật chất nhiều chợ do được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước, nên hiện đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, như chợ tạm Xuân La, Yên Phụ, Kim Liên, đặc biệt là chợ Hoa Quảng An. Trong khi đó, đối với công tác đầu tư nâng cấp sửa chữa hiện còn đang có một số vướng các quy định hiện hành.
 Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến.
Cũng theo lãnh đạo quận Tây Hồ, ngoài ra, trên địa bàn quận hiện có 8 chợ dân sinh tại 8 phường, chủ yếu họp vào buổi sáng. Bên cạnh đó, do thói quen buôn bán kinh doanh, đôi khi vẫn còn trường hợp các hộ kinh doanh rau, củ, quả và một số ngành hàng bán rong ở khu vực ngoài cổng chợ. Về việc này, thời gian tới UBND quận sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các phường, công an các phường phối hợp chặt chẽ các ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở và xử lý dứt điểm các hộ kinh doanh bán hàng rong, để đảm bảo giao thông, lòng đường, hè phố, an ninh trật tự khu vực, mỹ quan đô thị và đảm bảo việc kinh doanh cho các tiểu thương tại chợ.
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri, đặc biệt là các hộ kinh doanh tại các chợ đã kiến nghị HĐND TP, HĐND quận tăng cường hơn nữa việc giám sát tại các chợ về công tác quản lý, vệ sinh ATTP, PCCC, dẹp các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn…
Đặc biệt, cử tri kiến nghị cần sớm đầu tư kinh phí để đầu tư, cải tạo vì hiện các chợ trên địa bàn đều đã xuống cấp.Trong đó, cử tri Quách Hợp (phường Phú Thượng) phản ánh: Chợ Phú Gia đã xuống cấp nghiêm trọng. Vệ sinh an toàn thực phẩm dù qua kiểm tra chưa phát hiện việc mất an toàn, nhưng nhìn về khách quan vẫn có những yếu tố chưa đảm bảo như hàng bày bán trực tiếp xuống sàn đất. Trong khi phường Phú Thượng ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng, dân đông, chợ gần như quá tải, khiến việc bán hàng tràn ra vỉa hè phố Phú Gia.
“Nếu sắp tới, chợ được mở rộng, cải tạo là điều đáng mừng, nhưng cũng cần nâng cao chất lượng quản lý chợ hơn nữa. Đồng thời, khi chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng nên nghiên cứu kỹ mô hình nào tốt, chưa tốt với từng loại hình, địa bàn và có sự thống nhất với các tiều thương trong chợ”- cử tri kiến nghị.
 Cử tri đại diện các tiểu thương kiến nghị tại cuộc tiếp xúc cử tri.
Với các chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý, cử tri là các hộ kinh doanh cũng phản ánh tình trạng một số DN, hợp tác xã được giao quản lý đã không làm hết trách nhiệm trong việc ký hợp đồng kinh doanh với các tiểu thương, chưa quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy... Như cử tri Nguyễn Thị Thanh (kinh doanh tại chợ Tam Đa) cho biết, từ khi chợ được chuyển đổi cho Công ty CP đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương quản lý, các hộ kinh doanh gần như bị “bỏ rơi”, dù thuế, các khoản đóng góp các hộ vẫn thực hiện đầy đủ.
Các tiểu thương ở đây mong quận quan tâm, để tiếp tục được cấp giấy phép kinh doanh để đảm bảo quyền lợi hợp pháp. Đồng thời, có ý kiến với công ty để thực hiện vấn đề vệ sinh môi trường và đầu tư về hạ tầng cho chợ…
Tiếp thu và trả lời kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Quận đã có kế hoạch về việc cải tạo, sửa chữa các chợ xuống cấp. Thời gian tới, quận sẽ rà soát, xem xét về vấn đề thu phí trong quá trình sửa chữa, để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh.
Liên quan đến các kiến nghị của cử tri về những bất cập trong quản lý của các chợ sau chuyển đổi, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ yêu cầu phòng kinh tế quận phải làm việc cụ thể với các đơn vị đã được giao quản lý, đảm bảo quyền lợi cho các hộ kinh doanh. Đồng thời, có báo cáo với lãnh đạo quận về kết quả thực hiện.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Văn Thắng cho biết, trước cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề này, HĐND quận đã giám sát về vấn đề này. Tiếp thu ý kiến của cử tri, tới đây Thường vụ quận ủy sẽ họp, rà soát lại những vấn đề, những nội dung thuộc trách nhiệm của UBND quận, phải giải quyết ngay cho hiệu quả. Về các vấn đề thuộc trách nhiệm các sở, ngành, tổ đại biểu HĐND sẽ tiếp thu và báo cáo với Thường trực HĐND TP, chuyển tới UBND TP xem xét trả lời cử tri.
 Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng.
Về ban quản lý chợ, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ yêu cầu phải lưu ý  sắp xếp việc kinh doanh cho các tiểu thương, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất như điện, nước… cho hoạt động của chợ.
Về thực hiện chuyển đổi mô hình quản ly chợ, hiện một số doanh nghiệp, hợp tác xã được giao quản lý, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm của người quản lý chợ, nếu không đủ năng lực quản lý, quận phải rà soát lại, chỉ đạo cụ thể, kiến nghị cho dừng. Đồng thời UBND quận có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các vi phạm của các Ban quản lý, DN theo quy định. Với những chợ quá trình chuyển đổi còn vướng, quận phải rà soát, đề xuất những hướng giải quyết. Những chợ chưa chuyển đổi, quận phải nghiên cứu, đề xuất phương án chuyển đổi hiệu quả theo đúng quy định.
Nhấn mạnh đến trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ cũng yêu cầu các phường trên địa bàn tiếp thu những kiến nghị của các cử về vệ sinh môi trường, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm… để chỉ đạo giải quyết triệt để, không để cử tri kiến nghị nhiều lần.