"Cửa" nào để doanh nghiệp công nghệ Việt vượt khó ?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023 là một năm khó khăn với kinh tế thế giới. Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cũng sẽ bị tác động ảnh hưởng lớn khi các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cắt giảm đầu tư. Để tồn tại, doanh nghiệp Việt cần chú trọng hơn tới khách hàng, tối ưu chi phí hoạt động.

Năm khó khăn của giới CNTT

Dưới ảnh hưởng của Covid- 19, nhiều người lao động bị cắt giảm, mất việc, các công ty công nghệ hàng đầu cũng sa thải lượng lao động nhiều nhất từ trước tới nay.

Hàng loạt nhân viên công ty công nghệ bị mất việc
Hàng loạt nhân viên công ty công nghệ bị mất việc

Từ năm 2022 đến nay, hơn  280.000 nhân viên thuộc các công ty công nghệ trên khắp thế giới bị sa thải. Trong đó, 5 công ty cho thôi việc nhiều nhân viên nhất là Google, Meta, Microsoft, Amazon và Ericsson (Theo Layoffs.fyi).

Cuối năm 2022, Meta đã tiến hành đợt sa thải nhân viên lớn nhất trong lịch sử gần 20 năm của công ty hơn 11.000 nhân viên, tương đương khoảng 13% lực lượng lao động toàn cầu đã bị sa thải. Dự kiến đợt sa thải tiếp theo sẽ diễn ra trong tháng 3 (Theo Financial Times)

Tuần rồi, Twitter đã cho thôi việc 200 người trong đợt sa thải mới nhất, tương đương 10% trong số 2.000 nhân viên của công ty. Trước đó, Elon Musk đã thực hiện một loạt đợt sa thải với 5.500 người mất việc ngay sau khi mua lại Twitter.

Google vào tháng 1 đã thông báo cho 12.000 nhân viên thôi việc. Dự kiến, đến cuối tháng 3 thì 10.000 nhân viên ở Microsoft cũng sẽ bị sa thải. Amazon đã bắt đầu đợt cắt giảm nhân sự ảnh hưởng đến 18.000 nhân viên. Trước đó, công ty mẹ Meta của Facebook hồi tháng 11/2022 cho biết 13% người lao động của công ty sẽ mất việc, tương đương hơn 11.000 nhân viên.

Việc cắt giảm lao động trong lĩnh vực công nghệ trên khắp thế giới cũng là bài học nhìn nhận cho các doanh nghiệp Việt, cần có những phương thức vận hành hợp lý , sử dụng nhân lực hợp lý để đạt hiệu quả cao.

Nhìn từ khía cạnh cung cấp dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp trong nước, ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA cho rằng: Môi trường kinh doanh đang thay đổi từ cạnh tranh bằng sản phẩm (tính năng sản phẩm) trước đây sang cạnh tranh so sánh sản phẩm dịch vụ (các dịch vụ đi kèm) và hiện nay là cạnh tranh bằng trải nghiệm trong suốt hành trình.

Trước sự thay đổi này, các doanh nghiệp cần thường xuyên nghiên cứu đánh giá xu thế để thay đổi phương thức sản xuất, bán hàng, marketing phù hợp. Doanh nghiệp cần lấy khách hàng làm trung tâm và có hành động cụ thể, chú trọng thiết kế các gói giải pháp đồng bộ, tích hợp các giải pháp để giải quyết tổng thể, trọn vẹn nhu cầu đặt ra, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng và hiệu quả kinh doanh.

Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược cụ thể
Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược cụ thể

Đặc biệt, càng khó khăn càng phải tập trung vào xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự bán hàng theo hướng chuyên gia tư vấn để giữ được năng suất tăng trưởng, ông Quang nói.

Trong giai đoạn thị trường sôi nổi, chiến lược các doanh nghiệp là tăng trưởng dựa vào tìm kiếm khách hàng mới.Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn, phòng thủ hơn là mạo hiểm thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần có sự điều chỉnh chiến lược, tập trung nhiều hơn vào tập khách hàng hiện tại và tối ưu chi phí hoạt động vận hành, hạn chế rủi ro là ưu tiên trong việc tìm kiếm khách hàng mới.

Cơ hội chuyển đổi số và “go global”

Các doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội, lợi thế để chuyển dịch sang dịch vụ chuyển đổi số (CĐS) với các giải pháp Make in Viet Nam cho các doanh nghiệp trên thế giới dựa trên các công nghệ lõi (AI, IoT, cloud..). CĐS được xác định là động lực, một trong những trọng điểm để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng.

Chuyển đổi số- cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ Việt
Chuyển đổi số- cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ Việt

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA cho rằng: Hiện nay, từ Chính phủ tới các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước cho đến tư nhân đang có hành động thực tế, tích cực thúc đẩy CĐS, tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, song các doanh nghiệp công nghệ số vẫn có cơ hội rất lớn. Không chỉ ở trong nước, thị trường quốc tế cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt (các thị trường nước ngoài đang tìm kiếm những nhân tố mới, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ) Thay vì những thị trường quen thuộc như Nhật Bản thì nhiều thị trường châu Âu, châu Mỹ cũng là những mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt khai thác.

VINASA mới đây đã thực hiện khảo sát với 63 doanh nghiệp CNTT về thực trạng và các mối quan tâm khi tham gia thị trường quốc tế, trong đó có 5 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 nhân sự, còn lại là doanh nghiệp có từ 50 cho đến dưới 1.000 người.

Kết quả cho thấy, thị trường là nhóm vấn đề chiếm tới 74,6% quan tâm; 72,6% tập trung về chiến lược tiếp cận thị trường, các kênh và cách thức tiếp cận; 68,3% là tỷ lệ doanh nghiệp chia sẻ mối quan tâm về cơ hội tiếp cận với thị trường nước ngoài.

Khảo sát của VINASA cũng chỉ ra rằng, khu vực Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường mà các doanh nghiệp CNTT Việt Nam ưu tiên lựa chọn khi vươn ra toàn cầu.

Đông Nam Á là một khu vực tiềm năng được doanh nghiệp công nghệ Việt hướng tới
Đông Nam Á là một khu vực tiềm năng được doanh nghiệp công nghệ Việt hướng tới

"Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Và đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi mở cõi", Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT, bộ TT&TT Nguyễn Thiện Nghĩa nhận xét.

Doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ thị trường, thế mạnh của mình để vận dụng linh hoạt, áp dụng kinh nghiệm của doanh nghiệp đi trước làm tiền đề để xây dựng phương án cụ thể tạo bước tiến cho doanh nghiệp Việt trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần