Nghị định 08 - bài 1:

“Cửa sáng” kỳ vọng khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, Nghị định 08 sẽ tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng chỉ trong ngắn hạn. Để thị trường phục hồi cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác, đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cũng như sự thấu hiểu của nhà đầu tư.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào năm 2023 với màu sắc đầy ảm đạm, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn trong trong việc trả nợ hoặc mất khả năng thanh khoản. 

Để cấp bách tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tránh tác động dây chuyền đến thị trường tài chính – tiền tệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 5/3/2023.

Nghị định 08 được các chuyên gia đánh giá là ban hành kịp thời, đưa ra căn cứ pháp luật để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với nhà đầu tư (trái chủ) về kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá hai năm hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Nghi định 08 cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác
Nghi định 08 cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác

“Làn gió mát” giữa nắng hạn

Ngay sau khi Nghị định 08 được ban hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận nhiều khởi sắc, khi nhiều doanh nghiệp phát hành thành công với số lượng khá lớn.

Dẫn đầu trong danh sách này là Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An, với thông báo phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 10/3/2024. Lãi suất 13%/năm, là loại lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi. Nam An nhờ đó trở thành doanh nghiệp có lô trái phiếu giá trị lớn nhất được phát hành thành công trong 10 tháng, kể từ khi thị trường trái phiếu bị siết chặt.

Tiếp đến, ngày 13/3, Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living công bố phát hành thành công 48.000 trái phiếu mã LLFCB2328001 có mệnh giá 100 triệu/1 trái phiếu. Tổng giá trị phát hành là 4.800 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Bất động sản Sơn Kim cũng được đánh giá là doanh nghiệp phát hành trái phiếu uy tín hiện nay, khi phát hành thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng chỉ trong vỏn vẹn 10 ngày.

Nghị định 08 vừa đi vào thực tiễn, thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vui mừng vì đàm phán giãn nợ thành công với trái chủ.

Mới đây, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land đã đạt được những thỏa thuận về việc kéo hạn kỳ hạn từ 2 năm lên 30 tháng cho lô trái phiếu H79CH2123002 trị giá 400 tỷ đồng, và điều chỉnh kỳ hạn từ 3 năm lên 43 tháng đối với lô trái phiếu HTLAND.2020.TV01 trị giá 500 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 20/3. Thời gian nới kỳ hạn là 7 tháng.

Novaland nằm trong top 3 doanh nghiệp bất động sản có giá trị trái phiếu đáo hạn cao nhất trong 2023
Novaland nằm trong top 3 doanh nghiệp bất động sản có giá trị trái phiếu đáo hạn cao nhất trong 2023

Tương tự, Novaland cũng cho biết, công ty này đã đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 3 lô trái phiếu mã NVLH2123010, NVLH2124002 và NVLH2224006, tổng giá trị 2.750 tỷ đồng. 

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Phước, điều chỉnh thành công kỳ hạn thêm 2 năm cho 2 lô trái phiếu GTPCH2123001 sẽ đáo hạn vào ngày 25/3/2025 thay vì ngày 25/3/2023 và lô GTPCH2123002 sẽ đáo hạn vào ngày 6/4/2025 thay vì ngày 6/4/2023. Hai lô trái phiếu này có tổng trị giá 500 tỷ đồng được phát hành trong tháng 3/2021 và tháng 4/2023 đều có kỳ hạn 2 năm.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển đánh giá, Nghị định 08 là luồng gió mát hiếm hoi trong bầu không khí lo lắng của trái phiếu doanh nghiệp. Những quy định tại nghị định là căn cứ pháp lý để doanh nghiệp thực hiện đàm phán với các trái chủ. Cạnh đó, các trái chủ cũng yên tâm những hình thức thỏa thuận thanh toán là phù hợp về mặt pháp luật.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Nghị định 08 là “làn gió mát” giữa nắng hạn, giúp giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn với cao điểm là năm 2023. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế, kỳ vọng tháo gỡ đa số những vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong ngắn hạn, cụ thể là năm nay và năm tới. Còn trong dài hạn, chính các tổ chức phát hành phải tự tìm ra giải pháp để cứu chính mình.

“Cơ chế để các bên thỏa thuận giãn nợ, hoán đổi tài sản chỉ là giảm áp lực hiện tại, nhưng áp lực đó sẽ bị đẩy về tương lai trong 1 - 2 năm tới. Vì vậy, cả doanh nghiệp và trái chủ đều phải tỉnh táo, nếu không “gió mát” cũng có thể biến thành “cơn sốt rét” hồi nào không hay” – luật sư Thảo cảnh báo.

Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn hiện hữu

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Group cho biết, theo thống kê giai đoạn từ năm 2023 - 2025, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp nói chung cần đáo hạn vào khoảng hơn 700.000 tỷ đồng. Tính riêng năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó ngành bất động sản chiếm đến 38.5%, rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng.

Giá trị trái phiếu đáo hạn chỉ tính riêng trong năm 2023 là 309.000 tỷ đồng. Nguồn: DKRA Group
Giá trị trái phiếu đáo hạn chỉ tính riêng trong năm 2023 là 309.000 tỷ đồng. Nguồn: DKRA Group

Qua đó cho thấy, áp lực dư nợ trái phiếu trên thị trường nói chung và thị trường bất động sản nói riêng là vô cùng lớn, khiến các chủ đầu tư dự án, chủ doanh nghiệp chật vật trong việc thu xếp dòng tiền để đáo hạn/mua lại trước hạn trái phiếu thời gian qua. Do đó, việc cho phép kéo giãn thời hạn trái phiếu theo Nghị định số 08 vừa qua là một động thái mang tính chất “chữa cháy” cho thị trường trong ngắn hạn để giúp doanh nghiệp có thêm thời gian cơ cấu nguồn vốn, trái phiếu để qua đó từng bước vực dậy chứ chưa phải là giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề.

“Trước hết, Nghị định 08 mở ra lối thoát cho các doanh nghiệp bị bế tắc trong việc thu xếp nguồn vốn đáo hạn thông qua việc kéo giãn kỳ hạn trái phiếu đã phát hành tối đa không quá 2 năm. Song, trên thực tế, điều này chỉ áp dụng trong trường hợp nhận được sự đồng thuận từ trái chủ, giữa bối cảnh niềm tin của các trái chủ “chạm đáy” như hiện nay, các doanh nghiệp không thể chỉ “hứa suông” mà đòi hỏi phải có một phương án kinh doanh chi tiết, hoạch định dòng tiền trả nợ một cách cụ thể thì mới có thể thuyết phục được trái chủ đồng thuận” – ông Thắng phân tích.

Cũng theo Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Group, thông qua việc tạm thời giảm yêu cầu để xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, động thái này của Nghị định số 08 cũng được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng vùng đối tượng nhà đầu tư được phép tham gia thị trường. Tuy nhiên, trước thực trạng thời kỳ “tiền rẻ” giai đoạn 2020 - 2021 đã qua đi, lãi suất cho vay neo ở mức cao và liên tục leo thang như hiện nay, quy định này sẽ khó có những ảnh hưởng sâu rộng lên sức cầu thị trường trong thời gian ngắn hạn sắp tới.

“Để có thể xóa bỏ nỗi sợ “quả bom trái phiếu” trên thị trường, rất cần có thêm những cơ chế chính sách đặc thù, cụ thể hơn nữa để có thể giúp thị trường lấy lại sự cân bằng, tạo bước đà phát triển bền vững trong dài hạn” – ông Thắng nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng nhận định, quy định gia hạn nợ của Nghị đinh 08 là hết sức cần thiết cho các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng,…Bản thân Tập đoàn Hòa Bình cũng được hưởng lợi từ Nghị định này. Tuy nhiên, ông Hải lo ngại, chỉ gia hạn nợ trong bối cảnh hiện nay là chưa đủ.

“Các bên tham gia vào thị trường đã bị tác động rất xấu. Việc giãn nợ chỉ có thể khắc phục vấn đề này nhưng chỉ giải quyết được phần nào, vì tâm lý của cả thị trường đã bị tác động xấu nên cứu vãn rất khó. Bởi vậy, những quyết định của nhà nước cần phải hết sức thận trọng” - ông Hải bày tỏ.

Mặc dù thừa nhận Nghị định 08 là giải pháp mang tính tình thế, song đa số các doanh nghiệp đều tin rằng, dù chưa thể tạo sự đột biến nhưng Nghị định 08 là “cửa sáng” đang từng bước tháo gỡ khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp...(còn nữa).