Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành: Phim “Vị” từ bỏ “quốc tịch” Việt là một cú sốc lớn

Lan Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trước thông tin nhà sản xuất từ bỏ quyền sở hữu, để “Vị” trở thành phim Singapore, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng với những người làm nghệ thuật đây là cú sốc lớn. Nhưng đứng dưới góc độ pháp luật sẽ là câu chuyện khác khi đơn vị sản xuất có nhiều biểu hiện vi phạm Luật Điện ảnh.

Hôm nay sẽ có văn bản báo cáo của nhà sản xuất phim “Vị”

Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, hiện đơn vị này chưa nhận được văn bản của nhà sản xuất phim “Vị” liên quan đến việc chấp nhận từ bỏ quốc tịch Việt để trở thành phim Singapo. Mà thông tin mới được Cục tiếp nhận qua buổi tọa đàm trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên!” vào hôm 26/9 và qua báo chí. Chiều 27/9, Cục Điện ảnh đã họp trực tuyến với Thanh tra Bộ VHTTDL, Thanh tra Sở VHTT TP. HCM và đại diện  Công ty TNHH Le Bien Pictures (Công ty Lê Biên), nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo về nội dung này. Cục Điện ảnh và Thanh tra Bộ đã đề nghị Công ty Lê Biên có báo cáo giải trình và các văn bản đã ký kết thỏa thuận, từ quá trình sản xuất phim đến việc xin rút quyền sở hữu đối với phim. Nhà sản xuất cho biết ngày 29/9 sẽ gửi Cục Điện ảnh toàn bộ những nội dung đó.

Cục trưởng Cục Đện ảnh Vi Kiến Thành bày tỏ những thông tin liên quan đến việc từ chối phổ biến phim ''Vị'' ở Việt Nam

“Chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ vấn đề, bởi nếu sự việc diễn biến như vậy thì có nhiều điều tiền hậu bất nhất. Hồ sơ xin phép phổ biến ghi rõ phim “Vị” do Việt Nam sản xuất. Nhưng theo thông tin mới thì đây lại là phim liên doanh, hợp tác; đạo diễn chấp nhận từ bỏ quyền tác giả, nhà sản xuất từ bỏ quyền sở hữu phim để “Vị” trở thành phim Singapore. Như vậy thì sự việc đã bị đẩy đến một bước khác. Việc “Vị” từ bỏ quốc tịch Việt là câu chuyện chưa từng có tiền lệ ở ta. Với những người làm nghệ thuật, đó là một cú sốc. Còn góc độ pháp luật sẽ là câu chuyện khác. “Vị” là phim hợp tác sản xuất với nước ngoài thì nó đã vi phạm Luật Điện ảnh bởi ngay từ đầu khi không trình kịch bản để thẩm định” – ông Vi Kiến thành cho biết.

Khi thẩm định phim “Vị”, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện chỉ có một thành viên duy nhất đề nghị xem xét phổ biến phim này ở phạm vi hẹp, phục vụ các nhà chuyên môn, còn lại đều nhất trí không phổ biến. Sau đó, Cục tổ chức chiếu phim, mời các chuyên gia tư vấn ngoài Hội đồng đến xem và cho ý kiến. 100% Hội đồng tư vấn nhất trí không phổ biến “Vị” ở Việt Nam. Khi đó, Cục mới ra quyết định không cho phổ biến.

Theo đánh giá của một thành viên Hội đồng thẩm định, thì “Vị” đã có những tìm tòi, sáng tạo nhất định trong thủ pháp nghệ thuật nhằm chuyển tải nội dung, tư tưởng của phim. Nhưng với trường đoạn hơn 30 phút nude hoàn toàn, nhiều cảnh quay trực diện thì khó có thể nói đó là những sáng tạo nghệ thuật phù hợp với văn hóa Việt Nam, nếu không muốn nói rằng phản cảm, không có giá trị thẩm mỹ, nhân văn. Thế nhưng, cũng không thể cắt bỏ hay lược bớt cảnh nude bởi cắt đi thì phim chẳng còn gì. Cảnh nude quá dài không đáng nói, cái đáng nói là sự hạ thấp nhân phẩm phụ nữ Việt.

“Nhiều ý kiến đề cập đến câu chuyện hồi tố cho “Vị”. Tôi nghĩ rằng đó là quyền của đơn vị sản xuất phim nếu thấy không thỏa đáng. Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý ngành điện ảnh, tôi khẳng định quyết định này hoàn toàn chính xác, không có gì băn khoăn. Chuyện phim từ bỏ quốc tịch Việt Nam như một cách tạo và đẩy cảm xúc của nhiều người, lên án Hội đồng trở thành rào cản làm thụt lùi sự phát triển của điện ảnh. Nhưng tiếc là những cảm xúc đó lại đến từ hầu hết những người chưa từng xem phim” - Cục trưởng Cục Điện ảnh bày tỏ.

Cần “luồng xanh” cho phim độc lập?

 Poster phim Vị tại LHP quốc tế Berline gây tranh cãi.

Sau khi Bộ VHTT&DL trình ý kiến Quốc hội dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi dựa trên Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009 rất nhiều ý kiến gây tranh cãi nhằm hy vọng sẽ có những thay đổi “cởi trói” cho điện ảnh Việt, bắt đầu từ cơ chế duyệt phim. Trong tọa đàm “Ai góp ý giơ tay!”, nhiều thành viên bày tỏ hội đồng duyệt phim đang trở thành rào cản, khiến cho nhiều bộ phim phải mang “vị” kiểm duyệt nặng nề, dù những người làm ra nó không hề mong muốn. Sự mơ hồ, cảm tính và không rõ ràng khiến cho những bộ phim như “Vị” phải đón nhận “bản án” một cách tức tưởi. Đặc biệt, trong tọa đàm nhiều ý kiến cho rằng phải có “luồng xanh” cho phim tham dự các LHP quốc tế.

Phản biện trước các ý kiến này, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết: “Hội đồng duyệt phim luôn làm việc và tuân thủ mọi quy định của Luật, Nghị định, Thông tư, có quy chế và mọi quyết định đưa ra đều phải dựa trên nguyên tắc đa số. Việc phát ngôn về mọi công việc của Hội đồng cũng chỉ do Chủ tịch Hội đồng thực hiện. Phải thấy rằng, nghệ thuật không phải là toán học, không rõ ràng những con số. Mỗi nghệ sĩ, chuyên gia có quan điểm, nhận thức  và đánh giá khác nhau. Vì vậy, ở bất cứ quốc gia nào thì nghệ thuật cũng đều phải cần có hội đồng để dung hòa mọi sự khác nhau đó.

Hiện nay, Hội đồng duyệt phim đã thay đổi hơn trước rất nhiều, với đủ tiếng nói của các thành phần làm phim, từ nhà sản xuất, các đạo diễn, nhà làm phim độc lập… Hội đồng luôn đồng hành với các nhà sản xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh chứ  không ai muốn kìm hãm, làm khó các nhà làm phim. Thế nên, nói rằng điện ảnh Việt Nam mang “vị” gì  cũng được, miễn là không mang “vị” kiểm duyệt thì có nhiều điều phải xem lại”.

Với đề xuất “luồng xanh” cho phim tham dự các LHP quốc tế thì người đứng đầu Cục Điện ảnh cũng thừa nhận đó là đề xuất mà ban soạn thảo cần cân nhắc, tính toán đưa vào Luật. Bởi vì, trước đó cũng đã có những ý kiến cho rằng để  tạo điều kiện cho phim Việt ra nước ngoài dự các LHP nhiều hơn thì nên có một cơ chế riêng như thành lập một Hội đồng chuyên biệt để thẩm định các phim tham gia LHP nước ngoài. “Đương nhiên, việc cấp giấy phép cho phim đi dự LHP quốc tế khác với giấy phép thẩm định của Hội đồng duyệt phim quốc gia khi bộ phim đó quay lại và muốn phát hành trong nước. Điều khoản quy định đối với phim đi tham dự LHP nước ngoài Ban soạn thảo sẽ họp bàn đưa vào Luật trong cuộc họp tới” – ông Vi Kiến Thành thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần