Việc một cháu bé 10 tuổi tử vong cách đây 18 ngày, nguyên nhân được bệnh viện xác nhận là viêm phổi do virus cúm HCoV-NL63 cùng họ virus Corona. Vậy đây có phải là virus đang gây đại dịch viêm phổi ở Vũ Hán không?
Câu trả lời là không phải!
Có 4 loại virus Corona gây bệnh cảm cúm thường gặp:
- 229E (alpha coronavirus)
- NL63 (alpha coronavirus)
- OC43 (beta coronavirus)
- HKU1 (beta coronavirus)
Có 2 loại virus Corona gây ra nỗi sợ hãi:
- MERS-CoV (beta coronavirus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông, hay MERS).
- SARS-CoV (beta coronavirus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hay SARS).
Loại thứ 7 chính là “con virus” gây viêm phổi kỳ lạ ở Vũ Hán, có tên là nCoV-2019, đang được cộng đồng quốc tế cực kỳ quan ngại, WHO quan sát chặt chẽ.
HCoV-NL63 mà cháu bé được cho là mắc phải và tử vong được phát hiện vào cuối năm 2004, ở cháu bé 7 tháng tuổi bị viêm tiểu phế quản phổi tại Hà Lan.
Đến nay, HCoV=NL63 đã hiện diện khắp thế giới và trở thành cúm mùa phổ biến. Bệnh biểu hiện từ mức độ nhẹ như cảm cúm đến trung bình như nhiễm trùng đường hô hấp trên, diễn biến nặng như nhiễm trùng đường hô hấp dưới gồm viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Virus được tìm thấy chủ yếu ở trẻ nhỏ, người già và những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Một nghiên cứu được thực hiện tại Amsterdam đã ước tính sự hiện diện của HCoV-NL63 trong khoảng 4,7% các bệnh hô hấp thông thường.
Cúm là “kẻ giết người” mà chỉ bác sĩ mới hiểu nó độc ác thế nào
Theo số liệu báo cáo của CDC Hoa Kỳ từ 1/10/2019 đến 11/1/2020, cả nước Mỹ số bệnh nhân mắc cúm các loại gồm:
- 13 triệu bệnh nhân nhiễm cúm.
- 5,9 triệu bệnh nhân cúm cần chăm sóc y tế.
- 120.000 bệnh nhân cúm phải nằm viện điều trị.
- 6.600 bệnh nhân cúm tử vong.
Số liệu này được cho là đã giảm hơn nhiều so với mùa cúm trước.
Mùa cúm này tại Việt Nam, trước khi có đại dịch cúm Vũ Hán nCoV-2019, các bệnh viện và Trung tâm y tế trong cả nước cũng phải gồng mình chống lại những “con virus” ác độc ấy, cho đến tận giờ phút này, hai con Influenza A(H1N1) pdm09 và (pH1N1) vẫn đang hoành hành gây viêm phổi rất nặng.
Chỉ những bác sĩ, bệnh nhân đã trải qua cúm biến chứng viêm phổi, mới thấu hiểu mức độ nghiêm trọng của các loại virus cúm. Và nCoV-2019, theo như tôi dự báo, cũng không khác gì cúm mùa khác, với khả năng lây lan đặc biệt nghiêm trọng, biến chứng viêm phổi nặng sẽ là nỗi ác mộng.
Mỗi người cần làm gì để phòng tránh virus cúm?
Đó là câu hỏi mà nhà báo Hồng Mây đặt ra cho tôi. Nội dung câu trả lời đã có ở 6 bài viết trước trong Fanpage. Bộ Y tế cũng đã có những khuyến cáo rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Vì thế, tôi không cần nhắc lại trong bài viết này.
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, hầu hết cúm đều tự khỏi và chỉ một số nặng lên.
Cúm nói chung, virus HCoV-NL63 cháu bé mắc phải nói riêng, cũng như virus nCoV-2019 đang rúng động dư luận trong những ngày Tết Nguyên Đán 2020, để phòng bệnh, người dân có thể tăng cường ăn tỏi, tắm nước nóng ngày 1-2 lần. Nếu phòng tắm có xông hơi nước nóng hoặc máy tạo độ ẩm không khí càng tốt, sẽ giúp bất hoạt virus.
Đặc biệt lưu ý, vấn đề đeo khẩu trang, người dân chưa thực hiện. Từ 30 Tết cho đến hôm nay là mùng 3 Tết, tôi đã qua 5 TP lớn như Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh và quay lại Hà Nội, dừng chân ở các quảng trường và đến một số điểm tham quan, tôi chỉ thấy khách du lịch người châu Á đeo khẩu trang, người Việt hầu như không.
Ngay từ chiều 29 Tết, tôi hỏi qua các nguồn tin, khẩu trang N95 không có để mua, khẩu trang phẫu thuật 3 lớp cũng vậy. Chỉ có khẩu trang y tế là vẫn còn nhưng giá thành bắt đầu bị đẩy lên cao.
Điều này có thể làm cho người dân khó khăn hơn khi muốn có khẩu trang bảo vệ.
Hai loại virus cúm nguy hiểm là Corona với kích thước khoảng 150-200nm và Influenza A có kích thước 80-120nm, các virus này chủ yếu cư trú trong giọt nước bọt lớn nên dùng khẩu trang y tế đúng cách cũng sẽ ngăn chặn virus rất hiệu quả.
Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách
- Chỉ sử dụng 1 lần rồi vất vào thùng rác an toàn.
- Khi đeo khẩu trang phải lộn mặt xanh ra ngoài: Đeo khẩu trang y tế cần lưu ý là mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt bắt vào sẽ không thấm vào trong, có thể rơi xuống, vì thế mà đeo mặt này ra ngoài. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.
- Khẩu trang phải kín cả mũi lẫn miệng.
- Quá trình mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào: Vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang, vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó bệnh truyền lại cho chính mình và những người xung quanh.
- Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai: Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang, những thói quen lấy tay vo khẩu trang lại đã gây nhiễm cho bàn tay, khẩu trang tháo ra cho vào thùng rác an toàn.
Điều cuối cùng tôi muốn lưu ý, hạn chế bắt tay khi không cần thiết, đặc biệt là bắt tay khi uống rượu.
Thiếu hiểu biết là thứ virus dễ lây lan và nguy hiểm nhất!