Cung cấp “đề kháng” để học sinh, sinh viên tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021, Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh.

Kỹ năng phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên
Theo thống kê của Bộ Công an - Cơ quan thường trực về phòng chống ma túy của Ủy ban Quốc gia, tính đến cuối năm 2020, nước ta có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và con số này trên thực tế còn cao hơn. Điều đáng nói, trong các thành phần người nghiện có cả học sinh, sinh viên.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TƯ ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Bộ sẽ khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác phòng, chống ma túy trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên, cán bộ đoàn, đội của các nhà trường… 
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021 là học sinh được tiếp cận bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy. Tài liệu gồm 4 cuốn, dành cho học sinh THCS, THPT, giáo viên và phụ huynh. Đây là lần đầu tiên, học sinh trên cả nước có một bộ tài liệu mang tính chuyên sâu, giúp các em không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn. 
 Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn phát biểu tại điểm cầu Sở GD&ĐT Hà Nội
Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với một số địa phương tổ chức thí điểm xét nghiệm chất ma túy cho học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; triển khai dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” từ nay tới năm 2025 và kế hoạch can thiệp phòng ngừa nghiện ma túy cho học sinh, sinh viên… 
Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình và xã hội
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, ngành Giáo dục TP Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản, bảo đảm thống nhất từ công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các lực lượng đến việc triển khai tại từng nhà trường trong công tác phòng, chống ma túy đối với học sinh.
Hằng năm, các nhà trường phối hợp với trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe, đồng thời sàng lọc các trường hợp nghi vấn có sử dụng ma túy; xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và đột xuất khi cần thiết. Các đơn vị giáo dục triển khai lập hòm thư tố giác, có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy trong và ngoài nhà trường; tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. 
 Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh
Từ kinh nghiệm triển khai các giải pháp phòng chống ma túy tại trường học thời gian qua, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến để làm rõ hơn tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và nhiệm vụ tập huấn để nâng cao kiến thức, kĩ năng phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học, giúp học sinh, sinh viên nhận diện đầy đủ các chiêu trò lôi kéo để đủ sức “đề kháng”, đối phó, tránh xa những tệ nạn nguy hiểm này. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận và làm rõ các giải pháp thực tế nhằm triển khai hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống tệ nạn HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học đã được Chính phủ giao cho ngành GD&ĐT.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị các cơ sở giáo dục căn cứ vào diễn biến của dịch Covid-19 để lựa chọn tổ chức các mô hình tuyên truyền giáo dục cho HSSV sao cho phù hợp; tổ chức khảo sát để có những đánh giá đúng thực trạng về công tác phòng chống ma túy trong trường học; triển khai bộ tài liệu; tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm cho học sinh, sinh viên…
“Ngành GD&ĐT các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tạo mối gắn kết giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh sinh viên; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn- đội- hội trong trường học để tổ chức lồng ghép các nội dung phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội vào những hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, các diễn đàn, tọa đàm sao cho thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên tích cực tham gia …”- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nêu rõ.