Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Củng cố di sản đối ngoại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc khủng hoảng tại Ukraine, sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), dịch Ebola… đã trở thành những nhân tố thách thức tính hiệu quả trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong năm qua.

Và trong chính sách được miêu tả là phức tạp, nhiều mâu thuẫn của ông chủ Nhà Trắng, quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba, quyết tâm đóng cửa nhà tù Guatalamo… được coi là di sản hiếm hoi trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Mỹ.

 
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Mặc dù lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã giành được một số thắng lợi quan trọng trước IS nhưng đến thời điểm kết thúc năm 2014, IS vẫn là mối đe dọa đối với an ninh Mỹ và toàn cầu. Trong khi các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, mối quan hệ với Nga - quốc gia mà ông Obama muốn cài đặt lại quan hệ đã rơi vào giai đoạn ảm đạm nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Di sản nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ trong năm qua là sự thực thi tích cực cho chính sách tái cân bằng lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh những tuyên bố và nghị quyết phản đối hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, chính sách tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương của ông Obama vẫn bị phân tán bởi các vấn đề tại Syria, Ukraine, dịch bệnh Ebola và lực lượng IS.

Vì vậy, dấu ấn mà ông Obama để lại trước thời điểm đảng Cộng hòa toàn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội được cho là quyết định bất ngờ trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Thừa nhận cần một cách tiếp cận mới trong chính sách ngoại giao sau khi 50 năm cô lập Cuba không đem lại một kết quả đáng kể nào, Tổng thống Obama hy vọng, năm 2015 sẽ là một chương mới trong quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Tất nhiên, hy vọng này sẽ gặp không ít trở ngại trước khi được hiện thực hóa bởi sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa. Và việc đề nghị Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba được coi là một chướng ngại vật lớn đối với chính sách của ông Obama. Vì thế, dù lệnh cấm vận thương mại được áp dụng từ năm 1961 với Cuba sẽ khó có thể được thông qua trong thời gian trước mắt nhưng quyết định của ông Obama đã tạo điều kiện cho các DN Mỹ xuất khẩu các mặt hàng trong lĩnh vực xây dựng, viễn thông và nông nghiệp tới Cuba. Điều này đối với ông Obama mà nói, là quá đủ để củng cố cho di sản điều hành của mình trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ.