Đóng 15 năm BHXH chỉ hướng đến một số nhóm đối tượng
Chính phủ đã hoàn thiện Dự án Luật BHXH (sửa đổi) và có Tờ trình số 527/TTr-CP ngày 10/10/2023 trình Quốc hội. Theo đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã cụ thể hóa 11 nội dung lớn, trong đó có Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng người được hưởng lương hưu.
Phó Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường đã có chia sẻ với báo chí: Theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu.
Đối với thời gian đóng BHXH, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu. Trong quá trình tổng kết, đánh giá thực hiện Luật BHXH hiện hành thời gian qua cho thấy, quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm đã gây khó khăn cho một số nhóm đối tượng nhất định. Ví dụ: Những người bắt đầu tham gia thị trường lao động muộn, tham gia vào hệ thống BHXH muộn (45, 47 tuổi mới tham gia BHXH). Hay có những người tham gia BHXH sớm nhưng quá trình bị giãn đoạn nên khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không đáp ứng đủ số năm đóng BHXH. Và khi người ta không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ có xu hướng hưởng BHXH một lần.
Do vậy, để tạo cơ hội cho những người mới bắt đầu tham gia BHXH muộn, Chính phủ có đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Tuy nhiên, lại có những người lao động hiểu là họ đóng BHXH đến khi đủ 15 năm thì không tham gia nữa. “Việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm chỉ hướng đến một số nhóm đối tượng nhất định do không có điều kiện đóng dài, chứ không phải tất cả những người tham gia BHXH bắt buộc. Với nguyên tắc đóng - hưởng trong BHXH thì người lao động có thời gian đóng BHXH dài sẽ được hưởng tỷ lệ hưởng lương hưu cao và mức lương hưu cao hơn. Những người không có điều kiện đóng BHXH dài, có thể hưởng mức lương hưu khiêm tốn nhưng có nguồn thu nhập lương hưu ổn định khi về già. Và đặc biệt là có bảo hiểm y tế đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho người lao động”- ông Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kế thừa quy định hiện hành
Theo quy định tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) khi đóng BHXH 15 năm, lao động nữ được hưởng lương hưu bằng 45% mức đóng nhưng lao động nam phải đóng BHXH 20 năm. Điều này đồng nghĩa với việc lao động nam đóng BHXH 15 năm chỉ được tính bằng 33,75% mức đóng. Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ khác nhau khi có cùng 15 năm đóng BHXH.
Trả lời báo chí về việc này, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH cho hay: Trong các lần sửa đổi Luật BHXH trước đây, chúng ta ưu tiên hơn cho việc đảm bảo cân đối bền vững của quỹ BHXH. Lần sửa đổi Luật BHXH lần này, chúng ta ưu tiên hơn cho việc mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH và đối tượng thụ hưởng BHXH. Chính vì vậy, về cơ bản các nội dung sửa đổi luật lần này liên quan đến công thức, mức hưởng các chế độ của BHXH, cách tính lương hưu đều kế thừa quy định Luật BHXH hiện hành.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 hiện hành, khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ có 15 năm đóng BHXH là 45% mức đóng. Còn đối với lao động nam, từ năm 2022 trở đi khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì 20 năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng là 45%. Sau đó mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tính thêm 2% và tối đa là 75 %.