Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) năm nay rơi vào thứ Sáu, ngày 26/2/2021. Với người Việt, rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu là ngày quan trọng dịp đầu năm mới. Người xưa vẫn có câu: "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng".
Vào ngày này, các gia đình thường làm mâm cơm cúng, tiến hành nghi lễ cúng gia tiên, nhằm cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đạo bình an.
Theo phong tục xưa, cúng đúng ngày là tốt nhất bởi đây là thời điểm trăng sáng nhất năm. Người ta quan niệm, vào thời điểm trăng mọc, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh. Nếu thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, cả năm bình an, may mắn.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tổ chức lễ cúng rằm tháng Giêng đúng ngày. Do đó, nhiều người thắc mắc liệu có thể làm lễ sớm hơn không.
Nhiều chuyên gia cho rằng, gia chủ không nhất thiết phải cùng rằm tháng Giêng vào đúng ngày 15 âm lịch. Các gia đình có thể cúng sớm từ ngày 14 nhưng không được cúng sau ngày 15. Quan trọng nhất là thành tâm.
Thời gian cúng rằm tháng Giêng có thể là từ sáng sớm ngày 14/1 âm lịch đến trước 19 giờ ngày 15/1 âm lịch.
Khung giờ tốt cúng rằm tháng Giêng 2021 là giờ Ngọ tức 11 giờ - 13 giờ, tốt hơn cả là chính Ngọ (12 giờ trưa).
Ngoài ra, ngày chính rằm 15/1 âm lịch còn một số khung giờ đẹp khác để gia chủ tham khảo, lựa chọn làm lễ cúng là giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ), giờ Ngọ (11 giờ - 13 giờ), giờ Mùi (13 giờ - 15 giờ).
Nếu làm vào ngày 14 tháng Giêng (ngày 25/2/2021), gia chủ có thể chọn một trong các khung giờ đẹp sau: Giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ), giờ Tỵ (9 giờ - 11 giờ), giờ Thân (15 giờ - 17 giờ), giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ).