Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cúng Tết Đoan Ngọ 2022 vào giờ nào, dâng vật phẩm gì?

Như Hương (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch đã tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian và được người Á Đông đặc biệt chú trọng.

Tết Đoan Ngọ là dịp người ta thường ăn tết ở nhà với gia đình. Sáng sớm Tết Đoan Ngọ, người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thông thường, mọi người hay ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy.

Vào ngày này, người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự trong sáng và quang đãng. Nhiều người còn tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ sâu bọ. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương ven biển, người dân đi tắm biển đúng giờ Ngọ.

Một số vật phẩm thường có trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Ảnh minh họa.
Một số vật phẩm thường có trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Ảnh minh họa.

Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, khí dương mạnh nhất trong năm nên mọi người cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.

Vào dịp Tết Đoan Ngọ, ai bị cảm cúm nên dùng 5 loại lá bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, lá dâu tằm và sả nấu nước xông để bớt bệnh.

Ngoài ra, có người còn tìm mua cành xương rồng để trong nhà với mục đích đuổi tà ma.

Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (12 giờ trưa) ngày 5/5 âm lịch. Bởi lẽ, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ tới 13 giờ. Cúng Tết Đoan Ngọ gồm 2 phần là lễ cúng gia tiên và lễ cúng ngoài trời. Mâm cúng có thể làm chay hoặc mặn dựa theo điều kiện kinh tế của gia chủ. 
Lễ gia tiên: Mâm cúng gồm: Một mâm cơm chay; Các loại bánh chay, xôi chay. Mâm hoa quả ngũ sắc có đủ năm vị là, cay, chua, đắng, mặn, ngọt . 9 bông hoa đồng tiền đỏ cài lên mâm hoa quả. Ba chén rượu ba màu trắng, đỏ, vàng, trong rượu có pha một chút hùng hoàng. Ba chén nước trà ba hương vị khác nhau, cùng vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá. 

Một số món ăn được dâng cúng vào ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Internet.
Một số món ăn được dâng cúng vào ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Internet.

Lễ cầu xin Ngọc Hoàng Đại Đế và Thần Tiên: Chuẩn bị đàn lễ được cúng ngoài trời, được đặt quay mặt về hướng Nam. Mâm cúng gồm: Bàn lễ trải một tấm vải đỏ rộng; Các loại bánh chay, một mâm xôi. Mâm hoa quả ngũ sắc có đủ năm vị là, cay, chua, đắng, mặn, ngọt. 9 bông hoa đồng tiền đỏ cài lên mâm hoa quả. 5 chén rượu năm màu trắng, đỏ, vàng, xanh, đen. Trong rượu có pha một chút hùng hoàng. 5 chén nước trà năm hương vị khác nhau, cùng vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá. Một chiếc lọng đỏ có viền vàng. 

Các nước tổ chức Tết Đoan Ngọ như thế nào?

Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc còn được gọi là tết Trùng Ngũ vì là hai con số 5 gặp nhau, ngày 5/5. Tết Trùng ngũ ở Trung Quốc thường được tổ chức khá long trọng với các cuộc đua thuyền rồng hoành tráng. Bên cạnh đó, cư dân địa phương còn tổ chức các hoạt động dân gian như làm túi thơm, làm đèn lồng và trang trí lại nhà cửa.

Tại Nhật Bản, Tết Đoan Ngọ còn được coi là ngày lễ dành cho các bé trai. Vào dịp này, các gia đình thường treo cờ cá chép, tượng trưng cho sức khỏe và sự thông minh. Hình tượng cá chép cũng mang theo ước nguyện của những bậc cha mẹ mong muốn cho con mình sẽ thành đạt trong cuộc sống. Người Nhật sẽ làm bánh mochi để cúng và ăn trong dịp lễ này.

Tại Hàn Quốc, Tết Đoan Ngọ được gọi là Dano, là một trong 3 lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người dân nước này. Đây là dịp để mọi người dân xứ sở kim chi quây quần bên các giá trị truyền thống. Phụ nữ và trẻ em thường mặc bộ trang phục truyền thống, tắm gội bằng lá cây diên vĩ và chơi những trò chơi dân gian.

 

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Đây là một ngày tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. "Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất. Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là "tết giết sâu bọ". Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.