Cuộc chiến chống Covid-19: Để tình thương lan tỏa

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 60 ngày qua, các thầy thuốc Việt Nam đã nỗ lực, quyết tâm cứu sống bằng được bệnh nhân Covid-19 số 91 (BN91 - nam phi công người Anh) dù chỉ là một hy vọng nhỏ nhất. Khi ngành y tế đang nỗ lực tìm nguồn phổi hiến cho BN91 cũng là lúc những câu chuyện cảm động về người Việt tình nguyện hiến tạng cho BN được nhân lên, lan tỏa.

Cuộc hội chẩn trực tuyến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng (BN 91) được thực hiện từ nhiều điểm cầu ngày 10/5. Ảnh: Lê Hảo
Cổ tích giữa đời thường
Những ngày này, cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (ĐPGTQG) luôn trong tình trạng làm việc hết công suất. Điện thoại của Trung tâm reo lên liên tục bởi những cuộc đăng ký hiến tạng cho BN91. Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm ĐPGTQG Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, tính đến nay, Trung tâm nhận được 59 trường hợp và tại TP Hồ Chí Minh có 30 trường hợp tình nguyện hiến tạng để cứu BN91. Dù chưa biết tình hình cũng như diễn tiến của BN91 ra sao nhưng những chia sẻ thiện tâm, nghĩa cử cao đẹp của gần 90 người tình nguyện hiến tạng thực sự là nguồn động viên, khích lệ ngành y tế trong việc cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể họ là ai, quốc tịch nào.
Đến nay, đã có hơn 35.000 người tham gia đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Cứ thế, sự sống tiếp tục hồi sinh. Hơn 35.000 người này cũng như gần 90 người đăng ký hiến tạng cho BN91 đã và đang viết nên dòng chảy văn hóa mới của người Việt, đó là dòng chảy tận hiến. Một dòng chảy mang đến giá trị nhân văn, đạo đức. Đó chính là nguồn sống, tưới tắm, nuôi dưỡng tâm hồn của người con đất Việt.

Phó Giám đốc Trung tâm ĐPGTQG Nguyễn Hoàng Phúc
Theo Phó Giám đốc Trung tâm ĐPGTQG, những trường hợp muốn hiến phổi cứu BN91 đều chia sẻ, họ muốn đồng hành cùng nỗ lực của Việt Nam ngăn chặn dịch bệnh và cũng là vì muốn giúp đỡ bệnh nhân trong khả năng của mình. Tất cả xuất phát từ tình tương thân tương ái, phẩm chất tốt đẹp của mỗi người dân Việt Nam từ ngàn đời nay.
Ông Phúc đặc biệt ấn tượng với trường hợp người cựu chiến binh gần 80 tuổi ở Tây Nguyên liên lạc với Trung tâm để hiến một phần lá phổi của mình. Người cựu chiến binh ấy bày tỏ: “Tôi tự hào về ngành y tế Việt Nam, trân quý những nỗ lực hết mình của Đảng, Chính phủ và các chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tôi muốn làm một điều gì đó để góp phần cứu sống bệnh nhân nặng nhất hiện nay là trường hợp phi công người Anh đang điều trị tại Việt Nam”.
Nhân lên những điều tốt đẹp
Thực sự cảm động, trân quý tấm lòng của người phụ nữ 40 tuổi ở Hà Nội, còn khỏe mạnh, có một gia đình hạnh phúc nhưng muốn hiến một phần lá phổi của mình ghép cho BN91 “để tình thương lan tỏa tình thương”. Lời đề nghị xin được hiến phổi khi cuộc sống của chị đang viên mãn khiến Phó Giám đốc Trung tâm ĐPGTQG ngỡ ngàng. Nhưng chị lý giải rất giản đơn: “40 năm qua, tôi đã nhận được nhiều yêu thương, sự giúp đỡ và cả may mắn. Giờ tôi muốn đền đáp lại những ân tình ấy”. Điều đặc biệt hơn, cách đây 5 năm, người phụ nữ này là một trong những người đầu tiên đến Trung tâm đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.
Đó còn là những cuộc gọi từ bà con ở nước ngoài, trong đó có một người phụ nữ ở Myanmar cũng đang chờ cơ hội (dự kiến cuối tháng 5) về Việt Nam để hiến tạng. Chị cũng thông báo chiều cao, cân nặng, đặc biệt có cùng nhóm máu với BN91 để nếu thời điểm chị về Việt Nam vẫn còn cơ hội thì sẵn sàng hiến phổi.
Còn nhiều cuộc điện thoại khác đến Trung tâm nói sẵn sàng hiến tạng nếu các chỉ số phù hợp và ủng hộ tài chính ghép phổi cho BN91. Những người hiến tạng đều đã tìm hiểu và họ biết nguyên tắc “vô danh”, “không vụ lợi” trong nghĩa cử này. Mỗi cuộc điện thoại, mỗi tin nhắn gửi tới Trung tâm, đằng sau đó là những câu chuyện xúc động, đầy tình người. Hầu hết mọi người đều muốn giấu danh tính, chỉ tâm niệm muốn chia sẻ những điều tốt đẹp.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ, vấn đề ghép phổi cho BN91 phải chờ kết luận cuối cùng của Hội đồng chuyên môn y tế. Tuy nhiên, ưu tiên số một vẫn là tìm người chết não hiến tạng, nếu bệnh nhân có chỉ định ghép phổi. “Dù thế nào đi chăng nữa, tấm lòng của những người tình nguyện hiến phổi vẫn hết sức đáng trân trọng"- ông Phúc nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần