Ngay khi được ra chơi, các em học sinh Trường Tiểu học Hikarigaoka Haru no Kaze (Nerima, Tokyo) ùa ra sân trường để đùa nghịch dưới làn sương mát lạnh trong cái nắng 34,5 độ C. Ngôi trường này đã lắp đặt một hệ thống phun sương hiện đại để làm dịu mát không khí trong khuôn viên trường.
Trước tình hình nóng lên toàn cầu, các hệ thống làm mát như thế này đang ngày càng trở nên quan trọng. Hiệu phó Hiroo Fujita chia sẻ: “Khi nhiệt độ ngoài trời vượt quá 34 độ C, điều hòa không thể làm mát phòng học hiệu quả. Chúng tôi muốn lắp đặt các thiết bị hiện đại và thân thiện với môi trường để cách nhiệt tự nhiên cho các tòa nhà”.
Theo khảo sát năm 2022 của Bộ Giáo dục, 95,7% phòng học tại các trường công lập đã được lắp điều hòa. Tuy nhiên, do nhiều trường xây dựng từ lâu, khả năng cách nhiệt kém nên hiệu quả làm mát không cao, đặc biệt trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
Để giải quyết vấn đề này, các trường học và chính quyền đang tích cực tìm kiếm giải pháp làm mát hiệu quả hơn, giúp học sinh tập trung vào việc học. Dù vậy, tiến độ lắp đặt và nâng cấp cơ sở vật chất vẫn còn chậm, đặc biệt ở các vùng khí hậu mát mẻ hơn như Hokkaido (chỉ đạt 16,5% phòng học có điều hòa). Trong khi đó, học sinh Nhật Bản phải quay lại trường học vào những tháng nóng nhất trong năm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập.
Theo giáo sư Shinohara, nhiệt độ phòng lý tưởng cho việc học tập là khoảng 21-22 độ C. Khi nhiệt độ vượt quá 25 độ C, khả năng tập trung và tư duy sẽ giảm sút đáng kể. Trẻ em, với cơ thể hấp thụ nhiệt nhanh và chưa hoàn thiện, càng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao.
Bộ Giáo dục đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp say nắng xảy ra trong các buổi hoạt động ngoài trời của học sinh.
Theo chuyên gia Mae, việc các trường học thiếu các biện pháp cách nhiệt, che nắng và thông gió không chỉ khiến phòng học nóng bức mà còn gây lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Không chỉ học sinh, giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn khi phải làm việc trong môi trường lớp học nóng bức. Một giáo viên tiếng Anh tại một trường công lập ở Tokyo cho biết: “Mặc dù lớp học có điều hòa, nhưng nhiệt độ luôn được cài đặt cố định ở 26 độ C quanh năm. Giáo viên không có quyền tự điều chỉnh, trừ khi có lý do đặc biệt”.
Điều này trái ngược với khuyến nghị của Bộ Giáo dục về việc nhiệt độ phòng học nên linh hoạt điều chỉnh từ 18 đến 28 độ C, tùy theo mùa.
Tuy nhiên, tại một trường tư khác ở Tokyo, một giáo viên thể chất tỏ ra bất ngờ khi biết hiện nay một số trường vẫn chưa có hệ thống làm mát đầy đủ. Cô chia sẻ: “Trong suốt 33 năm giảng dạy, tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu hay đổ mồ hôi vì nóng trong lớp học. Trường chúng tôi luôn ưu tiên đảm bảo môi trường học tập mát mẻ cho học sinh, ngay cả khi điều hòa hỏng, học sinh luôn được chuyển đến phòng khác trong lúc sửa chữa”.
Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường học không chỉ là nơi học tập mà còn là nơi trú ẩn an toàn. Kỳ nghỉ hè dài 40 ngày ở Nhật Bản trở thành gánh nặng lớn với các gia đình có thu nhập thấp, khi họ phải lo lắng về việc cung cấp bữa ăn và đảm bảo con em mình có nơi mát mẻ để nghỉ ngơi.
Theo Bộ phúc lợi, khoảng 1/9 trẻ em sống trong nghèo đói tại Nhật Bản, khoảng 1/9. Một cuộc khảo sát của Kidsdoor cho thấy 60% các gia đình có thu nhập thấp muốn rút ngắn hoặc bỏ hẳn kỳ nghỉ hè để giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Cái nóng khắc nghiệt của mùa Hè khiến nhiều gia đình phải đối mặt với khó khăn hơn. Để tìm kiếm không gian mát mẻ, nhiều học sinh đã đến các địa điểm công cộng như thư viện và trung tâm thương mại.
Một bà mẹ đơn thân ở Tokyo rất vất vả khi phải tìm nơi mát mẻ cho hai con mắc bệnh rối loạn thần kinh trong những ngày hè nóng bức. Do kinh tế khó khăn, bà phải đưa con đến các trung tâm cộng đồng để tận dụng điều hòa. Cô nói: “Các con tôi luôn mệt mỏi và không có động lực để học. Chúng luôn phàn nàn về tình trạng nắng nóng”.
Mặc dù có sự hỗ trợ của nhà nước, các trường học vẫn phải tìm các cách khác để cải thiện điều kiện học tập trong khi ngân sách eo hẹp.
Để đối phó với thời tiết nắng nóng, nhiều trường học đã triển khai các biện pháp làm mát sáng tạo. Các thành phố như Kumagaya và Chikugo đã phát ô cho học sinh, trong khi các trường khác đầu tư vào hệ thống phun sương, lều che nắng. Việc trồng cây xanh và sử dụng vật liệu cách nhiệt cũng được xem là những giải pháp hiệu quả.
Bên cạnh đó, học sinh cũng được phép mặc đồng phục thoáng mát hơn như áo polo và quần đùi, đồng thời sử dụng cặp sách nhẹ hơn.
Tại trường Haru no Kaze, nhà trường đang lắp đặt các điều hòa mới trong phòng tập thể dục. Hiệu trưởng Tsutomu Naiki chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bật hệ thống phun sương trong giờ giải lao đến hết mùa Hè để giúp học sinh cảm thấy mát mẻ và thoải mái hơn”.