Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến của những chiếc “xe đua”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả công bố hôm 26/1, Đảng Syriza đối lập đã giành chiến thắng áp đảo trước Đảng Dân chủ Mới của Thủ tướng đương nhiệm Antonis Samaras trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tổ chức hôm Chủ nhật vừa qua.

Chiến thắng này đã giúp ông Alexis Tsipras trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong 150 năm qua của Hy Lạp. Tuy nhiên, do khó giành được quá bán trong Quốc hội nhất viện 300 ghế nên đảng Syriza sẽ phải liên minh với các đảng khác như Bình minh Vàng, Potami hay Đảng Cộng sản để thành lập Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc ông Tsipras sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong chính sách nếu không dàn xếp được với các thành phần liên minh.

 
Cuộc chiến của những chiếc “xe đua” - Ảnh 1

 
Kết quả bầu cử Hy Lạp cũng khiến cả Liên minh châu Âu (EU) lo ngại bởi ông Tsipras tuyên bố, từ ngày 26/1, nước này “đóng băng” chính sách thắt lưng buộc bụng đã thi hành suốt 5 năm qua. Thủ tướng Anh David Cameron lập tức  cảnh báo về những rủi ro kinh tế trên khắp Lục địa già sau cuộc bầu cử tại Hy Lạp. Các tờ báo lớn của châu Âu cũng dự đoán về “những tuần đầy khó khăn” với Athens, Eurozone và EU bởi động thái của Hy Lạp sẽ đẩy nước này vào tình trạng nguy hiểm, tạo tiền lệ nguy hiểm và làm rúng động các thị trường tài chính toàn cầu…

Trong khi đó, tờ Welt am Sonntag của Đức thì hình tượng hóa diễn biến tại Hy Lạp như một cuộc chiến của 2 chiếc xe đua. Chiếc xe đầu tiên do ông Tsipras điều khiển với yêu cầu xóa khoản nợ trị giá 240 tỷ Euro. Cầm lái chiếc xe thứ hai là các chủ nợ quốc tế với quyết tâm chống lại việc giảm nợ và yêu cầu Hy Lạp phải tiếp tục cải cách. Trong cuộc chiến tâm lý lớn nhất và cam go nhất trong lịch sử Eurozone quanh vấn đề nợ công của Hy Lạp, điều quan trọng với cả hai đối thủ là không được sợ hãi. Chiếc xe nào phanh trước hoặc rẽ sang hướng khác sẽ trở thành kẻ thua cuộc. Nếu không ai chịu nhường đường, tai nạn sẽ xảy ra và Hy Lạp rời bỏ Eurozone với những hậu quả khó lường. Thực tế cho thấy, đồng Euro trong phiên giao dịch sau khi kết quả bầu cử Hy Lạp được công bố đã “rớt” giá và xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua so với đồng USD.

Ngoài những khó khăn liên quan đến khoản nợ công cao chót vót, tình trạng thất nghiệp triền niên và quan hệ căng thẳng với phần còn lại của châu Âu, bộ máy lãnh đạo mới của Hy Lạp sẽ phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng về an ninh. Yếu kém về năng lực tài chính, quốc phòng của Hy Lạp đang biến nước này trở thành một trung tâm mới của các nhóm khủng bố đến từ Iraq, Syria và từ đó lên kế hoạch, thực hiện các âm mưu tấn công những mục tiêu trên lãnh thổ châu Âu. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của EU cho rằng cần phải gạt sang một bên bất đồng về kinh tế với Athens để tìm ra cách tiếp cận linh hoạt hơn với vấn đề an ninh tại Hy Lạp – một cửa ngõ quan trọng của Lục địa già.