Thủ tướng yêu cầu lấy ý kiến
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi các Bộ Công an, Giao thông Vận tải (GTVT), Quốc phòng, Tư pháp, Thông tin & Truyền thông và Khoa học & Công nghệ về góp ý đối với dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng góp ý về hai phương án đối với "xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi" như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mà Bộ GTVT đã trình trước đó.
Phương án thứ nhất là các xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (gọi tắt là xe công nghệ) phải có hộp đèn với chữ "taxi" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu của hộp đèn là 12x30 cm. Phương án thứ hai, xe công nghệ không bắt buộc phải có hộp đèn với chữ "taxi" gắn cố định trên nóc xe để nhận biết; mà thay bằng dùng phần mềm và phù hiệu xe hoặc biển hiệu xe, tem nhận diện… dán trên kính xe, có kích thước đủ lớn và dễ nhận biết để quản lý.
Trước đó, vào ngày 17/7, Bộ GTVT đã có bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần thứ 9 trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nội dung gây nhiều tranh cãi nhất là việc Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định taxi công nghệ, mà đại diện là Grab phải đeo mào (tức gắn hộp đèn điện tử trên nóc xe).
Ngay sau khi những thông tin trên được công bố trên các cơ quan báo chí, truyền thông đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Phần lớn ý kiến đến từ các doanh nghiệp taxi truyền thống đều bày tỏ sự không đồng tình với nội dung này. Đơn vị phản ứng quyết liệt nhất là Hiệp hội Taxi 3 miền (bao gồm Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng và Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh).
Theo Hiệp hội Taxi 3 miền, việc bỏ quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ không phải gắn hộp đèn trên nóc xe, đồng thời là quy định cho phép cá nhân và hộ kinh doanh cá thể cũng có thể trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe Hợp đồng điện tử dưới 09 chỗ mà không phải thông qua các Hợp tác xã chẳng khác nào nới rộng thêm lợi thế vốn đã có của Taxi công nghệ, giúp loại hình taxi mới này có cơ hội trở nên hợp pháp một cách thiếu thuyết phục, thiếu bình đẳng.
Thậm chí, đại diện các hãng taxi truyền thống không ngần ngại “tố” Bộ GTVT là không nhất quán về mặt quan điểm trong việc chủ trì biên soạn bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi. Điều dễ nhận thấy nhất là trong suốt một thời gian dài, Bộ GTVT đều khẳng định taxi công nghệ, điển hình là Grab, Uber là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và phải chịu những điều kiện kinh doanh và quản lý như xe taxi. Trong đó, việc taxi công nghệ phải đeo mào là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, trong bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần thứ 9, Bộ GTVT bất ngờ quay ngoắt 180 độ, phủ nhận chính quan điểm của mình trước đó.
Bộ Giao thông cần nhất quán quan điểm
Mới đây nhất, vào ngày 16/9, hàng loạt tài xế của các hãng taxi truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã đưa phương tiện tập trung ở đường Nguyễn Văn Huyên, cùng nhau dán khẩu hiệu "Hộp đèn nhận diện xe hợp đồng điện tử dưới 09 chỗ: Công bằng, Minh bạch - Tại sao không làm?".
Các tài xế cho biết, mục đích của việc dán khẩu hiệu như trên nhằm bày tỏ mong muốn, cơ quan chức năng tạo ra sự công bằng trong môi trường kinh doanh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ như xe của Grab.
Một trong những điểm bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và xe công nghệ nếu quy định không bắt buộc đeo mào với xe công nghệ được thông qua, là việc xe công nghệ sẽ mặt sức được di chuyển vào các phố cấm (Hà Nội có rất nhiều tuyến phố cấm xe taxi, xe hợp đồng mà không bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt vì rất khó nhận diện. Sự kiện hàng loạt taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Grab không phải đeo mào đã gây sự chú ý lớn của dư luận trong những ngày qua.
Sự thiếu nhất quán quan điểm của Bộ GTVT khiến mâu thuẫn giữa taxi truyền thống và xe công nghệ càng bị đào sâu |
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia Giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, làn sóng phản ứng của các hãng taxi truyền thống đối với việc Bộ GTVT bỏ quy định taxi công nghệ phải đeo mào trong thời gian qua, nguyên nhân chính bắt nguồn từ thái độ thiếu nhất quán của Bộ GTVT trong quá trình biên soạn Nghị định 86 sửa đổi.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Đức, vấn đề cốt lõi trong những tranh cãi xung quanh sự tồn tại của taxi công nghệ, mà đại diện tiêu biểu là Grab nằm ở chỗ các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Bộ GTVT loay hoay không biết xếp Grab vào loại hình nào. Trên thực tế, nếu cố gò ép Grab là xe taxi cũng không hẳn đúng mà không cho là xe taxi cũng có nhiều cái sai. Bởi đây là loại hình hoàn toàn mới.
Cách tốt nhất là xếp riêng Grab vào một loại hình mới, từ đó đưa ra những quy định quản lý phù hợp thay vì cứ nâng lên đặt xuống, bắt Grab đeo mào rồi lại cho phép không đeo mào. Sự thiếu nhất quán về mặt quan điểm trong quá trình soạn thảo Nghị định 86 sửa đổi của Bộ GTVT đối với Grab nói riêng và xe công nghệ nói chung vô hình chung khiến mâu thuẫn giữa Grab và taxi truyền thống ngày càng bị đào sâu thêm.
“Nếu không sớm có quan điểm nhất quán và sớm định danh hợp lý cho Grab và xe công nghệ, cuộc tranh cãi giữa taxi truyền thống và xe công nghệ sẽ chẳng bao giờ có hồi kết”, ông Nguyễn Hữu Đức nhận định.
Việc các tài xế đồng loạt dán khẩu hiệu có nội dung "Hộp đèn nhận diện xe hợp đồng điện tử dưới 09 chỗ: Công bằng, Minh bạch - Tại sao không làm?"cũng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là mong cơ quan chức năng hãy nghiên cứu và tạo cho họ một môi trường kinh doanh công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ kiểu như xe của Grab. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng |