Cuộc chiến khí đốt Nga - EU: Thắt lưng buộc bụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và EU đã bớt chút quyết liệt sau khi Nga nối lại cung ứng khí đốt cho một số thành viên EU thông qua tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1.

Nhưng việc Nga không tăng thêm mức độ cung ứng khí đốt mà vẫn chỉ cung ứng 40% khiến phía EU lo ngại Nga tiếp tục cuộc chiến khí đốt với EU.

Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 21/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)  
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 21/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)  

Cuộc chiến này, bất kể còn diễn biến ra sao và rồi đây kết cục như thế nào, buộc EU phải có đối sách cho trước mắt và cho lâu dài. EU nhận thức được rằng phải chấm dứt lệ thuộc vào cung ứng năng lượng từ Nga càng nhanh chóng càng tốt. Nhưng đấy là chuyện của lâu dài và mục tiêu đặt ra cho lâu dài. Trước mắt, vấn đề khó khăn đối với EU là giá năng lượng cao, tỷ lệ lạm phát cao và nguy cơ không đảm bảo được an ninh năng lượng cho thời gian mùa Đông tới.

Giải pháp hiện được EU theo đuổi là tìm nguồn năng lượng thay thế cho nguồn cung ứng năng lượng từ Nga như sử dụng trở lại các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, nhà máy điện hạt nhân, nhập khẩu năng lượng từ các nguồn khác, và đặc biệt là tiết kiệm sử dụng khí đốt.

“Thắt lưng buộc bụng” trong sử dụng khí đốt là biện pháp có thể thực hiện được ngay trong khi các biện pháp chính sách khác không hẳn không khả thi, nhưng đều không dễ khả thi. Ủy ban châu Âu còn dự định bắt buộc các thành viên EU phải tiết kiệm 15% mức độ sử dụng khí đốt trong thời gian từ nay tới hết mùa Xuân sang năm, giống như đã buộc các thành viên EU phải giảm mức độ vay nợ công.

EU hạ quyết tâm sắt đá không để thua Nga trong cuộc chiến khí đốt và đồng thời còn buộc Nga phải mất cả chì lẫn chài. Vấn đề đối với EU ở chỗ trong nội bộ EU không có sự đồng thuận quan điểm ủng hộ các đối sách này của EU và thời gian áp dụng các biện pháp này càng kéo dài thì dư luận xã hội trong các nước thành viên EU sẽ trở nên càng bất lợi cho EU.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần