Cuộc đổi mới lần hai, biến khát vọng thành hiện thực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho rằng mô hình đổi mới mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra trong báo cáo...

Kinhtedothi - Cho rằng mô hình đổi mới mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra trong báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” là khả thi, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị nhấn mạnh, có thể gọi đây là cuộc đổi mới lần hai, toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị.

Không phải là viển vông

Cuộc đổi mới lần hai, biến khát vọng thành hiện thực - Ảnh 1Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” do WB và Chính phủ Việt Nam thực hiện được công bố mới đây đã đưa ra những khuyến cáo về đường hướng cải cách cho Việt Nam. Ông nghĩ sao về những hướng cải cách này?

- Việt Nam đã thay đổi nhiều sau 30 năm đổi mới. Đến nay, đổi mới đã cạn dần động lực, phát triển KT - XH đã chững lại và đứng trước những khó khăn gay gắt, thậm chí có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại nảy sinh: Mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng còn kém xa nhiều nước trong khối ASEAN. Và đáng nói, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề: Bội chi ngân sách, nợ công tăng; năng suất lao động giảm sút…

Đứng trước nguy cơ tụt hậu đặt ra yêu cầu Việt Nam phải khởi động một cuộc đổi mới lần hai để tiếp tục đưa đất nước đi lên nhanh và bền vững, ngày càng hiện đại và hội nhập sâu rộng hơn. Nói một cách khác, sức ép đổi mới đến cả từ bên trong và bên ngoài, không thực hiện sẽ không thể giải quyết được những vấn đề to lớn và cấp bách đang đặt ra trong phát triển và hội nhập.

Kỳ vọng của Việt Nam đến năm 2035 là trở thành một nước thu nhập trung bình cao. Theo đó, con số thu nhập bình quân đầu người được đưa ra là 7.000 USD (hoặc 18.000 USD tính theo sức mua tương đương); gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2014 có phải là tham vọng lớn? Các chuyên gia kiến nghị đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn tới dựa trên 3 trụ cột chính. Ông thấy điểm nào là đáng chú ý nhất cho một lộ trình phải tiến hành trong vòng 20 năm tới?

- Việt Nam có thời cơ và thuận lợi rất lớn trong quá trình hội nhập sâu rộng hơn, như việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Việt Nam có thể sử dụng làn sóng hội nhập mới tiếp thêm sức mạnh, đề ra những cải cách mạnh mẽ, chuẩn bị cho nền kinh tế bền vững. Tôi cho rằng đây là đòi hỏi thực tế mà nếu không Việt Nam sẽ tụt hậu. Tuy vậy để đạt được mục tiêu đề ra sẽ là một thách thức không nhỏ.

Tôi cho rằng cả 3 trụ cột (thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước) là cần thiết. Với GDP bình quân đầu người khoảng 5.370USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011) vào năm 2014, trong vòng 20 năm tới tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 6%/năm thì mới tiến tới mốc 17.000 - 18.000USD. Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức về cấu trúc như: Thứ nhầt, hoàn thiện việc chuyển đổi kinh tế thị trường, đặc biệt là thực hiện cơ chế thị trường hiệu quả nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền sở hữu và xác định lại vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, tận dụng cơ hội hội nhập để đẩy mạnh công nghiệp hóa; Thứ hai, các chương trình cải cách quy mô cần phương tiện tài chính, mà ngân sách Nhà nước (NSNN) còn hạn hẹp nên phải có sự tham gia đầu tư nhiều hơn của tư nhân; Thứ ba, thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với môi trường (bao gồm cả môi trường sinh sống lành mạnh và bền vững ứng phó với nạn biến đổi khí hậu và đặc biệt là môi trường đầu tư, cải cách hành chính tiếp tục cải thiện sự cạnh tranh của nền kinh tế). Thứ nữa, Việt Nam cần thúc đẩy công bằng và hội nhập các thành phần xã hội trong viễn cảnh lão hóa dân số, đô thị hóa hỗn độn…
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn.
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn.
Tuy nhiên, trong cả 3 trụ cột, trụ cột thứ 3 là quan trọng quyết định vào thành công của 2 trụ cột kia. Đổi mới kinh tế phải đi cùng với đổi mới thể chế kèm với đó là minh bạch thế nào mới là quan trọng. Then chốt ở đây là cột trụ thứ 3 nhằm tạo ra một cấu trúc Nhà nước mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức nghiệp có thực tài, mà trong đó báo cáo đã nhấn mạnh rất rõ “hối thúc người dân tham gia giám sát trách nhiệm giải trình của Nhà nước” Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống tham nhũng; phù hợp với quan điểm của Chính phủ về điều kiện tiên quyết để đổi mới, cải cách. Đó là phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ, phải “đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị” phải nhìn thẳng vào những thay đổi bằng tư duy hiện thực của thế kỷ thứ 21, không phải qua những lý thuyết, những mô hình phát triển, công nghiệp hóa không còn phù hợp.

Yếu tố con người và quyết tâm đổi mới

Trở lại vấn đề kinh tế, nguy cơ tiềm ẩn của kinh tế hiện nay là nợ công, DN Việt Nam nhỏ bé, năng suất lao động thấp… giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?

- Tôi vẫn nói là cần giảm nhanh bội chi ngân sách, tăng tính hiệu quả và minh bạch trong chi tiêu và đầu tư công, tiếp đến là tạo sân chơi bằng phẳng giữa DN nội và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); xác định lại khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là “một trong những động lực phát triển của nền kinh tế” mà cần khẳng định là “động lực cơ bản” với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại; nâng cấp thị trường để chuẩn bị cho hội nhập và các Hiệp định thương mại và cuối cùng là quyết liệt với tham nhũng ở mọi lĩnh vực.

Báo cáo đưa ra Việt Nam cần thúc đẩy mạnh ngành dịch vụ. Với một nước có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp như Việt Nam, điều này có phù hợp?

- Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Kinh tế vẫn dựa vào nông nghiệp, trong lúc ngành công nghiệp phát triển rất chậm, nhiều dự án khởi động 20 năm chưa thấy thành quả; kỹ nghệ đóng tàu thủy, công nghiệp xe hơi gần như không phát triển. Tôi cho rằng, bên cạnh việc nông nghiệp cơ khí hóa nhiều hơn để tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế quy mô giảm đi nhưng năng suất được cải thiện mạnh mẽ sẽ vẫn tạo ra giá trị thu lại cao, WB lại gợi ý đẩy mạnh ngành dịch vụ là rất đáng quan tâm. Dịch vụ ở đây bao gồm cả du lịch và logistics. Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch cũng như vận tải với đường bờ biển dài, nằm ở vị trí chiến lược trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Trong khi mỗi năm chi phí logistics ở Việt Nam chiếm khoảng 21 - 25% GDP; tương đương 37 - 40 tỷ USD thì đến 30 - 35 tỷ USD thuộc về các DN ngoại.

Hiện nay, công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn đang được tiếp tục, để giúp Việt Nam thành công với những mục tiêu mới theo quan điểm của ông, tái cơ cấu thời gian tới cần theo hướng nào?

- Việt Nam muốn tự chủ được kinh tế cần phải nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Điều đầu tiên cần tái cơ cấu là cơ cấu lại tư duy, chẳng hạn khi nói đến tăng trưởng là tăng trưởng cái gì? Hiện nay tăng trưởng GDP dường như là chỉ số duy nhất phản ánh tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp càng tăng trưởng GDP thì của cải quốc gia càng mất đi, nợ nần càng tăng lên và thâm hụt thương mại tăng lên trong khi đời sống người dân không được cải thiện đáng kể. Tất cả vấn đề chủ trương tái cấu trúc kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vấn đề phát triển trên tinh thần là cạnh tranh toàn cầu đã có chủ trương, có chính sách. Nhưng chúng ta thiếu cái gì, thiếu quyết tâm, thì bối cảnh tình hình hiện nay là cơ hội để chúng ta quyết tâm hơn để làm con đường mà chúng ta đã vạch ra…

Từ lần đổi mới đầu tiên (năm 1986) cho đến thời điểm hiện nay, có thể thấy rõ yếu tố con người, vai trò của những người đứng đầu là đặc biệt quan trọng. Yếu tố này sẽ quyết định sự thành bại của Việt Nam thế nào, thưa ông?

- Thông điệp quan trọng nhất, xuyên suốt báo cáo đó là phải cải cách thể chế nếu không muốn bị lạc hậu. Đó là lý do Báo cáo có một chương dành riêng nói về cải cách thể chế và các chương còn lại ít nhiều đều có đề cập đến vấn đề này. Yếu tố con người là quyết định, nhất là người lãnh đạo. Và sự thay đổi tư duy, quyết tâm, tâm huyết trong sáng, gương mẫu của những người lãnh đạo có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển của đất nước. Bản thân cuộc sống luôn đặt cho chúng ta những câu hỏi rắc rối, phức tạp nhưng bản thân cuộc sống luôn luôn manh nha câu trả lời trong thực tế. Hãy lắng nghe thực tế, lắng nghe Nhân dân rồi sẽ có câu trả lời.

Xin cảm ơn ông!
Kết luận của Báo cáo Việt Nam 2035 ghi rõ: “Để đạt được khát vọng 2035, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên 3 trụ cột: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Không thực hiện được những cải cách đó, Việt Nam không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi”.
Ông Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ KH&ĐT, một trong những tác giả chính của Báo cáo Việt Nam 2035

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần