"Cuộc đời vẫn đẹp sao”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong số những bệnh nhân tâm thần ở đây, Rơ Chơn Blếch là người bị nặng nhất.

KTĐT - Trong số những bệnh nhân tâm thần ở đây, Rơ Chơn Blếch là người bị nặng nhất. Bom đạn, những đòn tra tấn của quân thù đã để lại cho người lính Ê Đê ấy một viên đạn còn nằm trong đầu, teo nhãn cầu phải, đôi chân dập nát.

“Câu ca rằng hết giận rồi thương, yêu nhau rồi đừng cởi áo cho ai…”. Tiếng hát của người thương binh vang lên như làm dịu lại cái nắng gay gắt của trưa tháng 7.

Ngỡ ngàng trong chốc lát để biết tiếng hát ấy được xướng lên từ những thương binh tâm thần ở Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh Long Hải (Bà Rịa, Vũng Tàu). Với họ, dù chiến tranh để lại nhiều thương tật và nỗi đau nhưng trên hết “cuộc đời vẫn đẹp sao”…

Những “mảnh vỡ” của chiến tranh

Trong khuôn viên mát mẻ của khu tâm thần được xây biệt lập với các khu khác trong trại, sáng nào người ta cũng nghe vang lên tiếng hát khoẻ khoắn của ông Khả, quê Sóc Trăng. Trong dáng điệu rất nghệ sĩ, ông nhìn vào người bạn tên Đúng đánh đàn dẫn nhịp, ngước mắt nhìn thẳng và cất cao tiếng ca: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm…”.

Những tiếng vỗ tay hoà theo của các thương binh làm không khí càng vui vẻ và ấm cúng. Đó dường như là những phút bình yên nhất của các thương bệnh binh tâm thần tại trung tâm này.

Trong số những bệnh nhân tâm thần ở đây, Rơ Chơn Blếch là người bị nặng nhất. Bom đạn, những đòn tra tấn của quân thù đã để lại cho người lính Ê Đê ấy một viên đạn còn nằm trong đầu, teo nhãn cầu phải, đôi chân dập nát.

Ảnh minh họa
Bữa ăn của các thương binh tâm thần. Ảnh: Cù Mến 


Năm 1969, người con trai mạnh mẽ, yêu nước của núi rừng Tây Nguyên trở thành tàn phế. Vừa bị tâm thần, vừa bị liệt, vừa mù, tưởng như những nỗi oan nghiệt của thế gian đã trút hết lên số phận ông. Người thương binh này giờ đây luôn phải có sự chăm sóc 100% của y sĩ và hộ lý tại trung tâm. Khi chúng tôi đến, chân của Blếch đang phải bó bột. Chị hộ lý tên Hạnh cho biết do vô ý nên ông bị ngã trên xe lăn xuống.

Tại một góc nhỏ trong căn phòng gần căng tin của các cựu binh, bà Lê Thị Ân, 64 tuổi, quê Quảng Nam ngồi trong im lặng. Bà là một trong hai bệnh nhân nữ còn lại của khu điều trị tâm thần. Không sôi nổi hát theo các thương binh khác, bà Ân chọn cách ngồi quay mặt vào tường và nhìn ra khung cửa sổ đầy trầm tư. Hỏi chị hộ lý mới hay bà Ân trước đi bộ đội, giờ mất trí nhớ nên không thể liên lạc với gia đình. 

Khơi dậy “chất lính”

“Ở đây, chúng tôi tập cho các bệnh nhân sống trong môi trường như lính. Mọi việc được sắp xếp trật tự và mang tính trị liệu cao. Tất cả nhằm giúp những cựu binh phục hồi trong khả năng có thể như một con người bình thường”- y sĩ Lê Quốc Dũng cho biết.

Ảnh minh họa
Nhân viên điều dưỡng bón cơm cho ông Blếch.  

Mỗi ngày thương binh thức dậy từ 5 giờ tập thể dục, vệ sinh thân thể, 6 giờ ăn sáng sau đó chơi tự do đến 7 giờ sinh hoạt hát karaoke. Ngoài ra, họ còn phơi quần áo, quét dọn và phụ hộ lý trong các bữa ăn. Những hoạt động này được cho sẽ góp phần phục hồi các chức năng mang tính hành vi và tư duy của các bệnh nhân tâm thần.

Hát karaoke luôn là tiết mục được nhiều thương binh tâm thần hưởng ứng sôi nổi nhất. Những người lính năm xưa đã quên gần hết kí ức nhưng lại nhớ như in những ca khúc từng hát vang trên chiến trận đã in sâu vào tiềm thức…

Rơ Chơn Blếch cúi thấp, đôi mắt nhắm nghiền, thỉnh thoảng lại lắc lắc cái đầu trong vô thức…

Ông Khả giành micro. Giọng ông trong và khoẻ lại vang lên những giai điệu da diết: “Câu ca rằng hết giận rồi thương, áo nâu sồng em nhuộm tình tôi…”. Cả hội trường như lắng lại, xúc động trong những lời hát mộc mạc và tha thiết “Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…”.

Thổ lộ với chúng tôi về tình trạng của bệnh nhân tâm thần ở đây, Ông Phùng Đức Hải, Giám đốc trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh Long Hải chỉ vào cái phòng có cửa song sắt dùng để khống chế bệnh nhân khi họ lên cơn thái quá và nói: “Cũng khá lâu rồi không phải dùng đến cái phòng đó”.

Theo Hải, trung tâm đang nhận điều trị, điều dưỡng cho 78 thương bệnh binh trong đó có 23 người bị tâm thần mãn tính. Những bệnh nhân tâm thần ở đây do bị thương vì đạn, họ có nhiều biến chứng rất phức tạp nên cần túc trực 24/24h.

"Cuộc đời vẫn đẹp sao”

Chiều. Khu điều trị như dịu bớt cái nắng bởi những cơn gió thổi ràn rạt qua những tán cây. Ông Khả đưa nhanh những nhát chổi quét đi đống lá trên sân. Trên ghế đá, bà Nguyệt, quê Tây Ninh đang say sưa nói chuyện và cười vui vẻ với một nam bệnh nhân khác.

Ông Ni, vẫn cái dáng đứng lắc lắc cánh tay còn lại và luôn miệng: “Cảm ơn chú Thím” quen thuộc mỗi lần đi dạo.

Trên chiếc xe lăn đứng bên hành lang dãy nhà dành cho bệnh nhân, ông Blếch nghiêng nghiêng đầu mà mắt vẫn nhắm nghiền…Bên bàn cờ tướng, một vài người ngồi xung quanh xem ông Tâm và ông Tích thi đấu. Thỉnh thoảng lại có tiếng chép miệng vì lỡ bỏ đi một nước cờ tốt.

“Nơi đây là ngôi nhà thứ hai của các cựu binh tâm thần. Hi vọng những di chứng của chiến tranh sẽ phần nào vơi bớt khi họ cùng vui chơi, sinh hoạt tại Trung tâm”- ông Hải chia sẻ thêm.

Hướng về phía những gốc cây của khuôn viên lại nghe tiếng hát sôi nổi của ông Khả và “hợp ca” bè của các đồng đội năm xưa từng kinh qua bom đạn. Những giai điệu quen thuộc được các cựu binh thuộc nằm lòng cứ nối tiếp nhau vang lên sôi nổi: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...”.

Vết tích của chiến tranh vẫn còn trên những thân thể thỉnh thoảng lại âm ỉ nhưng trên hết chất lính và tình yêu cuộc sống vẫn bừng cháy. Các bệnh nhân, những “mảnh vỡ” của chiến tranh vẫn thấy đời rất đẹp qua từng lời hát và họ đã tìm thấy một mái ấm bình an cho mình.