Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc đua EV ngưng trệ vì thiếu lithium?

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe điện (EV) ngày càng phổ biến trong bối cảnh thế giới đang tìm mọi cách giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, việc sản xuất EV đang bị cản trở bởi sự thiếu hụt lithium để sản xuất pin điện.

Cuộc đua EV tăng tốc, nhộn nhịp…

Trên “xa lộ” của cuộc đua ô tô, ngày càng xuất hiện những tên tuổi lớn và cả những cái tên mới toanh như Vinfast của Việt Nam nhập cuộc.

Đầu tháng này, LMC Automotive dự đoán doanh số bán xe điện tại châu Âu sẽ tăng từ 1,2 triệu chiếc vào năm 2021 lên 3,4 triệu chiếc vào năm 2024, 6,1 triệu chiếc vào năm 2027 và 10,5 triệu chiếc vào năm 2030.

Một mẫu xe điện Vinfast được giới thiệu tại Mỹ năm 2021.
Một mẫu xe điện Vinfast được giới thiệu tại Mỹ năm 2021.

Một báo cáo cho biết sản lượng EV dự kiến tăng vọt lên 12,76 triệu xe mỗi năm vào năm 2026, với hơn một nửa đến từ Trung Quốc.

Tesla của Elon Musk bắt đầu bán xe điện vào năm 2008 với Roadster và tiếp tục bổ sung các mẫu xe vào dòng sản phẩm của mình trong 14 năm kể từ đó. Cuộc đua trở nên nhộn nhịp khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống đã sản xuất những mẫu xe không phát thải carbon mới.

Mercedes đã công bố kế hoạch phát hành 10 mẫu EV mới vào cuối năm 2022, bao gồm cả EQS 2022. Ford cũng sẽ bắt đầu sản xuất F-150 Lightning mà hãng đã công bố vào năm 2021.

Honda và General Motors - GM đã công bố các mẫu xe EV mới. Nissan cũng có mục tiêu bán 1 triệu xe điện hoặc hybrid mỗi năm trên toàn cầu. GM có kế hoạch ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong vào năm 2035.

Sáu nhà sản xuất ô tô đã đặt mục tiêu chỉ sản xuất và bán ô tô điện vào năm 2030: Bentley Cadillac, Lotus, Mini của BMW và Volvo; riêng Jaguar vào năm 2025.

Tại triển lãm ô tô Austin (Texas - Mỹ) năm nay, nhiều mẫu xe điện được trưng bày, chẳng hạn như Ford F-150, đã có hàng nghìn đơn đặt hàng.

GM đang lắng nghe nhu cầu của người tiêu dùng, tháng trước tiết lộ rằng các khoản đầu tư vào công nghệ sẽ được ưu tiên hơn so với lợi nhuận lớn hơn trong năm tới và công ty sẽ chi hơn 35 tỷ USD đã được lên kế hoạch trước đó đến năm 2025 để tăng tốc độ ra mắt các loại xe điện mới, theo Reuters.

Khi giá năng lượng tăng cao, ngày càng có nhiều người cân nhắc chuyển sang sử dụng EV. Chiếc Cadillac LYRIQ SUV chạy hoàn toàn bằng điện, một trong những mẫu xe điện mới nhất được tung ra thị trường, đã được bán hết với mức giá khoảng 60.000USD. Cadillac đã thông báo vào tháng 9/2021 rằng lượng đặt trước cho LYRIQ EV đã bán hết chỉ sau hơn 10 phút.

Bên cạnh đó, điều khiến cuộc đua sản xuất EV trở nên sôi động hơn là do các quốc gia cũng đã có chính sách nhằm khuyến khích sản xuất EV. Một số quốc gia đã đề xuất lệnh cấm bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch - đạo luật quan trọng nhất đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang chạy bằng điện. Na Uy, Pháp và Anh tuyên bố có ý định cấm tất cả các loại ô tô thông thường ở nhiều điểm khác nhau vào năm 2040. Danh sách này sẽ mở rộng bao gồm Áo, Iceland, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ireland, Singapore, Costa Rica, Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc, Đức và nhiều quốc gia khác.

Việc tranh giành thị phần xe điện trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Minh chứng cho việc này qua một câu chuyện tưởng chừng như ngoài lề: Mới đây, chỉ 1 ngày sau khi hội đồng quản trị của Twitter chấp nhận lời đề nghị mua lại 44 tỷ USD của CEO Tesla Elon Musk, Henrik Fisker, người sáng lập công ty khởi nghiệp xe điện Fisker Inc., đã gọi rời bỏ Twitter. Ông thông báo cho những người theo dõi của mình rằng ông sẽ sử dụng Instagram trong tương lai: "Hãy theo dõi tôi trên IG từ bây giờ nếu bạn muốn cập nhật”.

Sự cản trở mang tên lithium

Giá lithium đã tăng hơn 430% trong năm qua. Đầu tháng 4 này, Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, lưu ý rằng giá lithium đã tăng đến "mức điên rồ". Ông tweet: "Lithium hầu như có ở khắp nơi trên trái đất, nhưng tốc độ khai thác rất chậm". Musk nói với các nhà phân tích rằng sản xuất lithium là một trở ngại để đáp ứng nhu cầu xe điện và kêu gọi các doanh nhân tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, khai thác lithium…

Doanh thu của Tesla trong quý I là khoảng 18,76 tỷ USD so với mục tiêu 17,85 tỷ USD. Doanh thu Tesla tăng bởi nhiều đợt tăng giá nhằm bù đắp chi phí gia tăng của lithium, niken, coban và các nguyên liệu thô khác.

Nhu cầu sử dụng lithium đang bùng nổ vì sự phát triển của EV và nhiều ngành công nghệ: Điện thoại di động, máy tính di động, thậm chí cả các thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời… Theo Hiệp hội Lithium Quốc tế (ILiA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã ước tính rằng sự tăng trưởng về xe điện có thể khiến nhu cầu lithium tăng hơn 40 lần vào năm 2030. Năm 2021, nhu cầu lithium là khoảng 320.000 tấn và dự kiến đạt 1 triệu tấn vào năm 2025 và 3 triệu vào năm 2030, theo Reuters.

Trung Quốc đã tiên liệu việc nhu cầu lithium sẽ tăng cao cách đây nhiều năm và đang dồn sức sản xuất nguyên liệu này. Các mỏ lithium lớn khác nằm ở Nam Mỹ và Australia. Mỹ chỉ sản xuất khoảng 2% nguồn cung của thế giới nhưng dự kiến sẽ tăng cường khả năng khai thác trong những năm tới.

Trung Quốc hiện kiểm soát việc chế biến gần 60% lithium, 35% niken, 65% coban và hơn 85% nguyên tố đất hiếm của thế giới - tất cả các nguyên tố cần thiết để sản xuất một loạt pin EV. Jiangxi Ganfeng Lithium Co., Ltd có trụ sở tại Trung Quốc với giá trị vốn hóa thị trường là 38,6 tỷ USD. Đây là nhà sản xuất lithium lớn nhất trên thế giới. Công ty này nắm giữ các nguồn lithium trên khắp Australia, Argentina và Mexico và có hơn 4.844 nhân viên.

Hiện nhiều nước đang có kế hoạch khai thác lithium nhằm tránh phụ thuộc nguyên liệu này từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng vì khai thác các nguyên liệu làm pin điện sẽ phá vỡ môi trường sống và cân bằng sinh thái. Do đó, việc khai thác lithium ở Mỹ đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của những nhà bảo vệ môi trường.

Theo GlobalData, sản lượng kim loại lithium toàn cầu được dự báo sẽ vượt qua 100.000 tấn vào năm 2023.

Nhà phân tích tại GlobalData - Daniel Clarke cảnh báo: "Tình trạng thiếu hụt lithium sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm tới và có thể tiếp tục kéo dài đến giữa thập kỷ. Điều quan trọng cần nhớ là xây dựng một mỏ lithium mất 7 năm”.

Các nhà sản xuất xe hơi và SUV lớn đang tranh giành để thiết lập các thỏa thuận để đảm bảo nguồn cung. Tesla có một thỏa thuận với Piedmont Lithium của Bắc Carolina. GM đang đầu tư vào một dự án ở California. Các công ty như Stellantis, Renault và BMW được biết là cũng đang đầu tư vào các dự án sản xuất lithium...

Việc sản xuất EV còn gặp những khó khăn khác. CEO Electra Battery Materials - Trent Mell nói với FOX Business rằng quá trình này là một "sự thay đổi thế hệ" không giống bất cứ điều gì mà chúng ta đã thấy kể từ khi áp dụng dầu và động cơ đốt trong vốn cần một thế kỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng nhất quán và đáng tin cậy. Các chủ đất và các công ty điện lực sẽ mất rất nhiều công, của để tạo các trạm sạc cho xe EV cùng hệ thống lưới điện. 

 

"Trung Quốc nắm giữ 80,5% công suất pin lithium-ion toàn cầu vào năm 2020. Ngay cả khi Mỹ và EU nỗ lực sản xuất lithium, Trung Quốc cũng sẽ thống trị lĩnh vực này vào năm 2026 với 61,4% thị phần." - Nhà phân tích tại GlobalData - Daniel Clarke