Cuộc đua lên khoảng không vũ trụ

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tỷ phú quá nhiều trên trái đất”, đó là cảm thán của CNN. Những doanh nhân giàu có ngày càng nhiều, họ cảm thấy trái đất chật chội và muốn thám hiểm khoảng không vũ trụ vô tận, lên mặt trăng, sao hỏa…

Điều đáng thú vị, đáp ứng nhu cầu này là cách kiếm tiền, rất nhiều tiền, mới mẻ của một số doanh nhân.

Lĩnh vực kinh doanh mới

Mới đây, chúng ta đã chứng kiến ​​tàu vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk rơi xuống sau chuyến đi kéo dài 3 ngày do đích thân Jared Isaacman tài trợ, một tỷ phú đã tham gia cùng chuyến bay với ba nười khác. Trước chuyến đi, chi phí ước tính lên tới 55 triệu đô la cho mỗi ghế.

Elon Musk nói chuyện với các phóng viên vào năm 2018, một ngày trước khi SpaceX phóng tên lửa Falcon Heavy, tên lửa mạnh nhất thế giới. Ảnh: The New York Times
Elon Musk nói chuyện với các phóng viên vào năm 2018, một ngày trước khi SpaceX phóng tên lửa Falcon Heavy, tên lửa mạnh nhất thế giới. Ảnh: The New York Times

Vào tháng 7/2021, chúng ta đã chứng kiến hai tỷ phú khác bay lên khoảng không vũ trụ trên phi thuyền của riêng họ: Chuyến bay thuộc Virgin Galactic của Richard Branson; ngay sau đó là tỷ phú Jeff Bezos trên con tàu Blue Origin của ông.

“Cuộc chạy đua vào không gian” ngày nay giữa những người cực kỳ giàu có dường như là sự kết hợp giữa việc thỏa mãn cái tôi của những tỷ phú và lợi nhuận tiềm năng. Virgin Galactic của Branson đã bán được khoảng 600 vé cho những người sẵn sàng trả chi phí “khủng”, ngang với giá một căn nhà trung bình ở Mỹ: 200.000 - 250.000 USD.

Lợi nhuận từ việc khai thác thương mại những chuyến du hành lên không gian là khổng lồ, khiến kẻ giàu càng giàu thêm. Theo một nghiên cứu, khối tài sản của Jeff Bezos tăng từ 113 tỷ đô la lên 178 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021.

Cách đây chưa lâu, một tàu vũ trụ được phóng thẳng đứng từ một địa điểm ở phía Đông Nam El Paso. Nó dự kiến sẽ đạt đến độ cao 66 dặm (106km), không nghi ngờ gì về việc nó đã vượt qua ranh giới giữa bầu trời và không gian bên ngoài. Sự ra mắt này đặc biệt thú vị vì Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, cũng như công ty vũ trụ của riêng ông là Blue Origin tham gia.
Bezos không phải là tỷ phú đầu tiên thực hiện một chuyến đi như vậy. Một tàu vũ trụ có tên VSS Unity đã chở Richard Branson, tỷ phú và là người sáng lập Virgin Galactic, vào không gian.

Thám hiểm không gian thương mại, hay “du lịch vũ trụ”, dường như đang đến thời kỳ thịnh hành. Những gì đã từng được dành riêng cho một số rất ít giờ đây giống như một chuyến đi công viên Disney dành cho giới siêu giàu.

Cuộc đua chỉ mới bắt đầu

Công ty vũ trụ của Branson là Virgin Galactic có kế hoạch sẽ phóng khoảng 400 chuyến bay vào vũ trụ mỗi năm, với mức giá cho mỗi vé cá nhân lên tới 250.000 USD.

Elon Musk quan sát tên lửa Falcon 1 cất cánh vào năm 2008. Đây là tên lửa nhiên liệu lỏng do tư nhân phát triển đầu tiên bay vào quỹ đạo. Ảnh: CNN
Elon Musk quan sát tên lửa Falcon 1 cất cánh vào năm 2008. Đây là tên lửa nhiên liệu lỏng do tư nhân phát triển đầu tiên bay vào quỹ đạo. Ảnh: CNN

Kế hoạch kinh doanh của Blue Origin của Jeff Bezos chưa được công bố rộng rãi, nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy rằng họ cũng sẽ tính phí 200.000 USD cho các chuyến bay dưới quỹ đạo của mình. Blue Origin cũng có kế hoạch cho các chuyến bay lên mặt trăng và các lựa chọn khác, nhưng nó đang thực hiện một cách tiếp cận chậm mà chắc.

Sau đó, tất nhiên, có Elon Musk, người chưa công bố bất kỳ kế hoạch trở thành hành khách trên tàu vũ trụ của riêng mình, nhưng được cho là đã đặt cọc cho một chuyến đi Virgin Galactic trong tương lai. Năm 2002, Elon Musk thành lập Công ty SpaceX, một công ty hàng không với chương trình đầy tham vọng được thiết kế cho chuyến bay thương mại vào vũ trụ. SpaceX vượt xa cả Virgin Galactic và Blue Origin về chuyến bay quỹ đạo. Công ty đã nhận được hợp đồng từ NASA để tiếp tế cho Trạm vũ trụ quốc tế từ năm 2012 và đã đưa phi hành đoàn lên trạm kể từ năm 2020.

Tất nhiên, điều này đặt ra câu hỏi: Đâu là giá trị của việc thương mại hóa các chuyến bay vào vũ trụ, bao gồm cả những dự án đầy tham vọng như thiết lập căn cứ có người lái trên mặt trăng hoặc sao hỏa? Bởi suy cho cùng, những chuyến đi vô cùng tốn kém nhưng rất ít tính thực tiễn về lợi ích.

Nhưng đối với các nhiệm vụ khác, chuyến bay vào vũ trụ thương mại rất hấp dẫn. NASA đang phát triển một Hệ thống Phóng Không gian mà Quản trị viên NASA Jim Bridenstine đoán rằng mỗi lần phóng sẽ tiêu tốn 800 triệu đô la cho mỗi tên lửa đối với đơn đặt hàng số lượng lớn. Ngược lại, phương tiện nâng hạng nặng có tên Starship của SpaceX rẻ hơn nhiều. Musk đã đưa ra mức giá chỉ khoảng 2 triệu đô la cho mỗi lần phóng, mặc dù David Todd, một nhà phân tích tại Seradata ước tính chi phí đắt hơn một chút là 10 triệu đô la.

Dù bằng cách nào, việc sử dụng SpaceX để phóng các vật thể vào không gian với chi phí thấp hơn rõ ràng là rất hấp dẫn. Điều đó có nghĩa là các nhà khoa học có thể chi tiêu nhiều hơn cho các thiết bị khoa học trong vệ tinh của họ.

Sẽ cần một số kỹ thuật để tên lửa mới nhất của Musk có tên là “Starship” phóng các đài quan sát thiên văn như kính viễn vọng không gian Hubble hoặc kính viễn vọng không gian James Webb, nhưng chắc chắn nó cũng có thể phóng được.

Rõ ràng là chuyến bay vào vũ trụ thương mại có lợi thế cho nhiều đối tượng khách hàng và ba công ty hiện tại sẽ cạnh tranh để tạo ra doanh thu. Họ sẽ đưa người lên khoảng không vũ trụ, đưa hàng hóa và thực hiện những dịch vụ khác để nghiên cứu khoa học. Hãy để cuộc đua bắt đầu.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần