Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc đua Liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Lào, Thái Lan

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/2, đoàn tàu chở 19 container lạnh chứa khoảng 280 tấn rau tươi đã rời Côn Minh, (Vân Nam, Trung Quốc) đã đến thủ đô Bangkok của Thái Lan sau hành trình dài 55 giờ. Chiều về, đoàn tàu Liên vận quốc tế sẽ chở hoa quả Thái Lan nhập vào Trung Quốc.

Đã từ lâu vận tải đường sắt luôn được xem là giải pháp quan trọng để giảm giá thành hàng hóa xuất khẩu. Sau 5 năm thi công, tuyến đường sắt tốc độ cao Lào – Trung quốc, dài 414 km từ thị trấn biên giới Boten giáp Vân Nam tới thủ đô Vientiane đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2021. Mới đây, tuyến đường sắt này đã được nối với đường sắt Thái Lan, tạo nên cuộc đua liên vận quốc tế (LVQT) trong tương lai hứa hẹn quyết liệt.

8,5 triệu lượt hành khách và 11,2 triệu tấn hàng hóa

Ngày 3/12/2021, Lào đã chính thức khai trương tuyến đường sắt nối Viêng Chăn với Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, Trung Quốc dài 1.035 km. Sau 1 năm hoạt động, tuyến đường sắt 8,5 triệu lượt hành khách và 11,2 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển xuyên biên giới đến hơn 10 quốc gia, chính thức tham gia LVQT với giá trị thương mại vượt 12 tỷ Nhân dân tệ (1,66 tỷ USD), được coi là thành công lớn. Nếu biết năm 2022, đường sắt Việt Nam vận chuyển hành khách đạt 4,52 triệu lượt, vận chuyển 5,7 triệu tấn hàng hóa, thì mới thấy đường sắt Lào đã có bước tiến phi mã.

Ngày 7/2/2023 đoàn tàu chở 19 container lạnh chứa khoảng 280 tấn rau tươi đã rời Côn Minh, (Vân Nam, Trung Quốc) đã đến thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ảnh: The Bangkok Post.
Ngày 7/2/2023 đoàn tàu chở 19 container lạnh chứa khoảng 280 tấn rau tươi đã rời Côn Minh, (Vân Nam, Trung Quốc) đã đến thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ảnh: The Bangkok Post.

Ông Du Zhigang, CEO tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, cho biết, hàng hóa được vận chuyển từ Lào bao gồm: cao su, lúa mạch, sắn, cà phê, bia, quặng và kali và nhập về các nhu yếu phẩm hàng ngày, bộ phận cơ khí, phụ tùng ô tô và sản phẩm điện tử được vận chuyển từ Trung Quốc sang. Việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt Lào-Trung Quốc chỉ mất 30 tiếng, trong khi việc vận chuyển bằng đường bộ mất hơn 48 tiếng.

Tuyến đường sắt này là dự án kết nối giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và chiến lược của Lào để chuyển mình từ một quốc gia không giáp biển thành một trung tâm liên kết với đất liền ở Bán đảo Đông Dương. Phía Trung quốc đã thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN (có hiệu lực vào tháng 1), các điểm đến vận chuyển hàng hóa quốc tế qua Đường sắt Trung Quốc-Lào đã được mở rộng sang nhiều quốc gia và khu vực hơn, bao gồm: Thái Lan, Malaysia và Campuchia.

Đường sắt Thái Lan nhập cuộc

Từ 2017, Thái Lan đã khởi công Dự án đường sắt Lào - Thái kết nối với đường sắt Lào - Trung dự kiến. Dự án được chia làm ba giai đoạn, trong giai đoạn đầu, kết nối 4 ga với nhau gồm ga Na Tha và Nongkhai của Thái Lan với ga Thanaleng và Vientiane Khamsavath của Lào, từ đây, sẽ kết nối với tuyến đường sắt Lào Trung, chạy tới tỉnh Côn Minh (Trung Quốc). Dự kiến, mỗi năm hơn 300.000 tấn nông sản (nhiều nhất là gạo, sầu riêng và dừa), cao su và hàng hóa xuyên biên giới từ Thái Lan sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc qua tuyến đường sắt này.

 

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc Trung Quốc mở tuyến đường sắt trực tiếp đến Lào - Thái Lan sẽ làm tăng sức cạnh tranh lên xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tuyến LVQT này kỳ vọng đưa hàng hóa Trung Quốc vào thị trường ASEAN và nhập hoa quả Thái Lan, Campuchia vì khi Trung Quốc đã khai thông đường sắt tới Thái Lan sẽ rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa, nông sản xuống còn một ngày và giảm chi phí vận chuyển hơn 20%. Dự kiến tuyến đường sắt quốc tế Trung Quốc-Lào đi qua 25 tỉnh, thành trên Trung Quốc sẽ đem 1.200 mặt hàng hóa đến hơn 10 quốc gia khu vực khác như: Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.

Cơ hội cho đường sắt Việt Nam?

Trong khi đó, đường sắt Việt Nam đã có kết nối với đường sắt Trung Quốc qua hai tuyến Đồng Đăng – Bằng Tường và Lào Cai – Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc, tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có tuyến Đồng Đăng – Bằng Tường là kết nối thẳng còn tuyến Lào Cai – Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc chưa tổ chức được việc vận chuyển hàng hóa đi Châu Âu vì hai bên khác nhau về khổ đường sắt (1.000/1.435).

Ông Nguyễn Viết Hiệp, CEO Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cho biết: "Trên tuyến đường sắt phía Tây, một số luồng hàng truyền thống như lưu huỳnh, quặng sắt xuất sang Trung Quốc sụt giảm mạnh dẫn đến sản lượng hàng liên vận quốc tế qua cửa khẩu đường sắt Lào Cai thấp".

Năm 2022, sản lượng hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt qua cả hai cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng đạt hơn 949.000 tấn, bằng 109% so với cùng kỳ 2021, trong đó: hàng nhập đạt hơn 538.202 tấn, bằng 106% so với cùng kỳ 2021; hàng xuất đạt hơn 411.000 tấn, bằng 113% so với cùng kỳ.

Nhiều năm liền, Trung Quốc dẫn đầu là thị trường cung cấp hàng hóa nguyên liệu, máy móc, thiết bị, hóa chất và sản phẩm hóa chất... cho Việt Nam, bình quân mỗi tháng, Việt Nam chi hơn 10 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 4,6 tỷ USD, 2 nhóm hàng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện. Tiếp đó là rau quả; thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; xơ, sợi…

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam, bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su. Ảnh: TT
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam, bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su. Ảnh: TT

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ tại Diễn đàn thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc), việc Trung Quốc mở tuyến đường sắt trực tiếp đến Lào - Thái Lan sẽ làm tăng sức cạnh tranh lên xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam, bao gồm: rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su. Nếu chúng ta không sớm tổ chức được LVQT bằng đường sắt mà vẫn sử dụng đường bộ như hiện nay thì cơ hội cạnh tranh với Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn.

Rõ ràng, ngoài việc đồng ý ga Kép trở thành nhà ga LVQT từ 20/2/2023, giảm tải cho 2 ga Đồng Đăng, Yên Viên thì cần sớm ưu tiên bố trí vốn cho dự án đấu nối chung khổ đường giữa hai ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc để tạo thuận lợi cho việc tổ chức lập tàu LVQT quá cảnh Trung Quốc đi Châu Âu qua cửa khẩu này.

Việc Thái Lan đẩy nhanh tiến độ kết nối đường sắt với Trung Quốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới giữa hai quốc gia này nhanh hơn, với chi phí rẻ hơn. Tuyến đường sắt Lào-Trung dự kiến được mở rộng để liên kết thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc với Bangkok và Singapore trong thập kỷ tới. Đường sắt Việt Nam sẽ đứng đâu trong cuộc chơi này?