“Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” đánh dấu hành trình 50 năm kiên trì, bền bỉ, với cái tâm trong sáng và lòng yêu nước sâu sắc, niềm tự hào về văn hóa Việt của tác giả Đỗ Văn Xuyền. Trong 50 năm qua, ông không quản ngại đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi; các đình, chùa, miếu mạo… Bất cứ nơi nào, khi nào nghe thấy thông tin có “chữ lạ” là ông lại lên đường… Để đến hôm nay, người Việt Nam có thể tự hào với bạn bè thế giới rằng: Chúng ta đã tìm lại bộ chữ “Khoa Đẩu” – bộ chữ Tổ tiên ta sáng tạo ra từ thời tiền sử mà suốt hai nghìn năm qua, tưởng đã không còn nữa”.
Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền.
Trong cuốn sách này, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền chứng minh từ thời Hùng Vương, người Việt ta đã có chữ viết, được thể hiện trên Bản đồ giáo dục thời Hùng Vương, danh sách các thầy cô giáo thời Hùng Vương, các cuốn sách Chữ Việt cổ hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La và trên những hiện vật còn được lưu giữ ở khắp thế giới như Trống đồng của Việt Nam đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Paris Pháp.
Bản đồ mạng lưới đền, miếu thờ thầy cô, học trò thời Hùng Vương do nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền lập.
Trên cơ sở các tiêu chí khoa học đã được xác định đó, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã chứng minh đặc điểm của bộ ký tự Chữ Việt cổ là không có dấu. Theo ông, từ hàng nghìn năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước như Anh, Tiệp Khắc đã xác nhận: “Ngay từ trước công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh – loại chữ ghép chữ cái thành từ”. Chữ Việt cổ hay còn gọi là chữ “Khoa Đẩu”, chữ Vua Hùng có hình dáng như những con nòng nọc đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài khẳng định. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa có ai ngoài nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền “giải mã” được chữ Việt cổ.
Được biết, trong thời gian tới, ông Xuyền sẽ cùng một số tổ chức thành lập những lớp dạy chữ Việt cổ.