Cuộc “ly hôn” lịch sử

Nhóm PVQT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều đồn đoán, kịch bản xấu nhất đã xảy ra khi cử tri Anh quyết định dùng lá phiếu của mình để chấm dứt “cuộc hôn nhân” với Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc “ly hôn” lịch sử này khiến Thủ tướng David Cameron phải lập tức tuyên bố từ chức, buộc “Lục địa già” phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ II và hàng ngàn tỷ USD đã bị thổi bay khỏi các thị trường toàn cầu. Tại Việt Nam, hơn 2 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 24/6.

Báo Kinh tế & Đô thị xin gửi tới Chuyên đề “Anh rời EU và những hệ lụy” với mục tiêu cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện nhất về những tác động của động thái này tới chính trường, thị trường toàn cầu và Việt Nam.

Hơn 50 triệu cử tri Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, buộc Thủ tướng David Cameron phải tuyên bố ra đi.

Kẻ buồn, người vui

 Trước báo giới sáng 24/6, ông David Cameron nghẹn ngào phát biểu rằng, bản thân không sẵn sàng “tiếp tục là vị thuyền trưởng đưa con tàu đất nước tới bến bờ tiếp theo”. Ông Cameron không phải nhân vật duy nhất bị ảnh hưởng bởi sự kiện này. Làn sóng quan điểm trái chiều về Brexit đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Ứng viên Tổng thống Mỹ - tỷ phú Donald Trump lại hoan nghênh quyết định của người dân Anh, cho rằng họ đã lấy lại quyền kiểm soát đất nước. Giới chức châu Âu khá sôi sục trước quyết định của cử tri xứ sở sương mù khi Ngoại trưởng Đức than thở về “một ngày buồn cho EU".
 Nước Anh rời EU, kẻ khóc người cười. Ảnh: Reuters
Nước Anh rời EU, kẻ khóc người cười. Ảnh: Reuters
Các nhà phân tích cho rằng, giới chức EU đang ở ba trạng thái: Nuối tiếc, rằng Anh đã rời đi; Tôn trọng, đối với quyết định của người dân Anh; và đứng trước bài toán khó là Duy trì, sức mạnh của khối liên minh lâu đời nhất thế giới. Đối với EU, việc Anh rời đi sẽ đặt ra những rủi ro lớn, thậm chí là nguy cơ về một cuộc khủng hoảng sống còn.

Hiệu ứng domino

Sự kiện một thành viên EU muốn thoát ly khỏi khối là điều chưa có tiền lệ. Với việc từ chức, ông Cameron đã đẩy con đường mịt mờ này cho người kế nhiệm. Chìa khóa duy nhất hiện nay là Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon về EU (2007). Theo đó, “các quốc gia thành viên có quyền rút ra khỏi liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp của mỗi nước”. Một khi điều khoản này được thực thi, những điều kiện của Brexit sẽ được quyết định không phải bởi nước Anh mà từ 27 thành viên còn lại của EU. Thỏa thuận chỉ có hiệu lực nếu được Nghị viện châu Âu và 72% thành viên EU còn lại, đại diện tối thiểu 65% dân số, thông qua. Trong một diễn biến liên quan, EU đã tuyên bố thỏa thuận Anh – EU đạt được hồi tháng 2 cho phép London có vị thế đặc biệt trong khối liên minh đã trở về con số 0 sau cuộc trưng cầu. Các nhà quan sát khẳng định,  áp lực “loại trừ” những đại diện của Anh trong bộ máy chính trị, kinh tế chung của EU sẽ dần hiện rõ chỉ trong vài ngày tới.

Sau những phản ứng đầu tiên, Ủy ban châu Âu và các lãnh đạo sẽ bàn thảo cụ thể, bình tĩnh hơn về vấn đề Brexit. EU phải tìm cách lấp vào khoảng trống ngân sách trị giá 7 tỷ Euro hàng năm từ Anh, vốn có trong kế hoạch tới năm 2020.  Tuy nhiên, nỗi quan ngại lớn nhất mà EU phải ưu tiên hàng đầu là ngăn “hiệu ứng domino” khiến các quốc gia thành viên khác nối gót London.  

Những mắt xích lỏng lẻo của EU rất có thể sẽ nối gót Anh là các quốc gia Đông Âu đang trong tâm bão khủng hoảng di cư. Hiện nay, các phong trào dân tuý và chống người nhập cư đã lan rộng ở châu Âu, dẫn tới những chia rẽ lớn trong nội bộ khối cũng như trong nội bộ mỗi quốc gia thành viên. Tại Đức và Pháp nơi đều có tổng tuyển cử diễn ra trong năm 2017, chính trường cũng đang chia rẽ với ý định rời EU hiện hữu ở một số đảng phái. Các nhà lãnh đạo cánh hữu ở Pháp và Hà Lan đã ngay lập tức đòi tổ chức trưng cầu dân ý giống như ở Anh. Dự kiến, EU sẽ đưa ra các chính sách cụ thể hơn về các vấn đề nhức nhối của châu Âu như khủng hoảng di cư, mối quan hệ với Nga, đồng Euro, để khôi phục niềm tin của 27 quốc gia thành viên còn lại. Anh hay EU đều còn một chặng đường không hề dễ dàng trước khi cuộc “ly hôn” lịch sử này chính thức hoàn thành trong vòng 2 năm tới.

Thị trường thế giới “chao đảo”

Lần đầu tiên kể từ năm 1985, một bảng Anh chỉ đổi được chưa đầy 1,35 USD, do tác động từ quyết định của đa số cử tri nước Anh chọn Brexit.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu bên ngoài số 10 Downing ngày 24/6. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu bên ngoài số 10 Downing ngày 24/6. Ảnh: Reuters
Sự sụt giá nghiêm trọng của đồng bảng Anh kéo theo các thị trường tài chính và chứng khoán trên toàn thế giới cũng đồng loạt hứng chịu hàng loạt cú sốc. Theo đó, ghi nhận trên thị trường New York chỉ số chứng khoán S&P500 tăng 1,34%, chỉ số giá dầu thô tương lai giảm 4,95%; giá vàng tăng 4,61% và hướng đến mốc đóng cửa cao nhất từ tháng 4/2014. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán châu Á phải hứng chịu tác động mạnh mẽ từ kết quả bỏ phiếu Brexit. Tại phiên giao dịch ngày 24/6, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 7,92%; Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,25%; chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,7%; chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,6%...

Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư đổ xô mua vào tài sản an toàn như đồng Yen, khiến đồng tiền này tăng 6,1% lên 100,03 Yen/USD, đánh giá mức tăng mạnh nhất của đồng tiên này kể từ năm 1998. So với bảng Anh, Yen Nhật đã tăng kỷ lục 15%. Theo chuyên gia kinh tế Vishnu Varathan đến từ ngân hàng Mizuho: Kết quả từ cuộc bỏ phiếu Brexit đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Điều chắc chắn nên làm nhất là mua vào yen Nhật, trái phiếu Mỹ, vàng và ngồi yên một chỗ.

Một số chuyên gia so sánh sự sụt giá nghiêm trọng của đồng bảng Anh tương đương với sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ vào năm 2008, hay “Ngày thứ Sáu đen tối” năm 1992 khi đồng bảng bị buộc phải rời khỏi Hệ thống Ngoại hối châu Âu. Tuy nhiên, năm 1992, khi Ngân hàng T.Ư Anh buộc phải rút đồng bảng ra khỏi cơ chế hối đoái châu Âu, đồng tiền này cũng chỉ giảm 4,1%.

Theo ước tính của Bộ Tài chính Anh, việc nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới rời EU sẽ làm giảm giá trị đồng bảng ít nhất 12%. Các nhà phân tích cho rằng, đồng Euro sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Brexit và điều này có thể làm dấy lên những nghi ngại về tương lai của EU. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng T.Ư Nhật Bản và Ngân hàng T.Ư Canada đều phát đi cảnh báo cho các tổ chức tài chính thành viên về hậu quả nghiêm trọng của Brexit với thị trường tài chính toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần