Đương kim Thủ tướng Australia Tony Abbott bị chính thuộc cấp là Bộ trưởng Truyền thông Malcolm Turnbull lật đổ trong một cuộc thách đấu giành cương vị Chủ tịch Đảng Tự do cầm quyền giống như hồi năm 2009 ông Abbott đã đánh bại ông Turnbull.
Trong nội bộ đảng cũng như ở khắp Australia, không ai không biết mối thâm thù giữa hai chính khách này và cả ông Turnbull cũng không giấu diếm ý định rửa hận và tham vọng quyền lực. Lật đổ quyền lực của Chủ tịch đảng cầm quyền thì sẽ trở thành tân Thủ tướng. Vì thế, muốn lật đổ vị thế quyền lực của Thủ tướng thì dùng phương cách lật đổ quyền lực của Chủ tịch đảng cầm quyền còn dễ dàng khả thi hơn và hiệu nghiệm hơn kỳ vọng vào phán quyết của cử tri trong tổng tuyển cử.
Ông Abbott đã bị đảo chính thực sự trong đảng và ông Turnbull đã lựa chọn được đúng thời điểm để tung chiêu đòn quyết định hạ bệ đối thủ chính trị.
Theo những bộc lộ quan điểm từ trước đến nay và trong những phát biểu sau khi trở thành Thủ tướng mới của Australia, ông Turnbull chủ trương khác biệt hoàn toàn với người tiền nhiệm. Nếu khác biệt hẳn, thậm chí ngược lại với người tiền nhiệm và thời trước như ông Turnbull muốn thể hiện thì Australia hiện chẳng khác gì đang đứng bên ngưỡng của một cuộc cách mạng. Cách mạng trong chính sách phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, cách mạng trong chính sách đối với người nhập cư và tị nạn, cách mạng trong phương cách cầm quyền.
Dưới thời ông Abbott, Australia bị mất đi diện mạo của một đất nước hiện đại phù hợp với thế giới hiện đại, bảo thủ nhiều hơn là cấp tiến, bi quan nhiều hơn là vững tin vào tương lai. Ông Turnbull giờ muốn thay đổi tất cả và định hướng vào mục tiêu duy trì quyền lực cả sau cuộc tổng tuyển cử dự định tổ chức vào đầu năm 2017. Trong vòng 2 năm, Australia đã 4 lần thay thủ tướng. Nếu không nhanh chóng ổn định nội bộ đảng cầm quyền, tân Thủ tướng Turnbull sẽ khó làm nên cuộc phục thù ngoạn mục với các đối thủ chính trị của mình.