Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc sống độc thân ở những nơi có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam

Đào Phương - Huệ Lâm/znews.vn
Chia sẻ Zalo

Mức sống cao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không chỉ gây áp lực lên các gia đình nhiều thành viên, mà còn tạo gánh nặng tài chính cho những người sống một mình, chỉ có một nguồn thu nhập.

Cuộc sống độc thân ở những nơi có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 1

Đối với một sinh viên mới ra trường như Mỹ Hạnh (sinh năm 2001), việc sinh sống ở Hà Nội - thành phố có chi phí đắt đỏ nhất cả nước - không tránh khỏi áp lực cuộc sống.

Tốt nghiệp năm 2023, Hạnh trải qua làn sóng sa thải vào cuối năm và mới tìm được công việc mới vào đầu năm nay. Mức thu nhập chưa cao khiến cô phải đau đầu cân đo đong đếm các khoản chi tiêu.

Với mức lương cộng hoa hồng dao động 7-10 triệu đồng, Hạnh dành 20% cho tiền nhà và điện nước; 20% tiền ăn uống; 15% mua sắm đồ sinh hoạt. Phần còn lại, cô cân đối cho các nhu cầu khác.

“Đã ra trường, đi làm nên tôi có thể tiêu thoải mái hơn so với khi phải dựa vào gia đình chu cấp. Nhưng cùng với đó là áp lực, bởi đi làm cần chi nhiều khoản hơn. Hiện tại tôi vẫn chưa thực sự học được cách cân bằng chi tiêu”, Hạnh chia sẻ với Tri thức - Znews.

Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm qua là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Dương.

So với thống kê năm 2022, Hà Nội tiếp tục là địa phương có mức sống cao nhất cả nước. Còn TP.HCM đã vượt Quảng Ninh về chi phí sống đắt đỏ trong năm 2023.

Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt ngày một tăng, không chỉ các gia đình, ngay cả những người sống độc thân ở Hà Nội và TP.HCM phải chi tiêu chặt chẽ hơn, cũng như có kế hoạch tích lũy tài chính hợp lý.

Chi phí sống độc thân

Với số tiền lương hiện tại, Mỹ Hạnh chỉ “đủ tiêu” và chưa nghĩ đến tiết kiệm.

Giá cả hàng hóa tăng cao trong khi mức lương không tăng, thậm chí giảm xuống ở nhiều ngành nghề, càng khiến những người trẻ như Hạnh chịu thêm áp lực.

“Tôi thường chi nhiều tiền cho ăn uống, đi chơi và mua sắm. Tôi đỡ được một khoản nhỏ khi bố mẹ thường xuyên gửi đồ ăn ở quê ra cho. Nếu phải cắt một khoản để tiết kiệm thì tôi nghĩ sẽ giảm tần suất tụ tập bạn bè”.

Theo Mỹ Hạnh, với một người trẻ, để thoải mái hơn khi sống ở Hà Nội, thu nhập phải rơi vào mức 10-12 triệu đồng.

Mỹ Hạnh áp lực tài chính khi thu nhập chưa cao trong khi giá cả sinh hoạt tăng vọt.
Mỹ Hạnh áp lực tài chính khi thu nhập chưa cao trong khi giá cả sinh hoạt tăng vọt.

“Tôi không chắc mình sẽ làm việc lâu dài ở Hà Nội. Nếu có cơ hội tốt, tôi muốn về quê để phát triển. Rõ ràng ở quê lương có thể thấp hơn nhưng chi phí sinh hoạt cũng rẻ hơn nhiều. Điều quan trọng hơn cả là tôi muốn gần bố mẹ và thích sự yên bình ở quê”, Hạnh bày tỏ.

Một số nghiên cứu, khảo sát ở nhiều quốc gia cho thấy cuộc sống độc thân tốn kém hơn chúng ta nghĩ. Độc thân có nghĩa là chỉ có một miệng ăn phải lo, cần ít nhu yếu phẩm trong nhà hơn và một ngôi nhà hay phòng trọ có đủ không gian cho một thân thể. Thế nhưng, khi cộng dồn những thứ này lại với nhau, chi phí duy trì cuộc sống độc thân không nhất thiết bằng một nửa so với chi phí sống của gia đình hai người.

Nhà hoạch định tài chính Liz Koh cho biết: "Lý do chính khiến việc sống một mình đắt đỏ là vì có rất nhiều chi phí cố định liên quan đến việc sống trong một ngôi nhà".

Nếu bạn đang trả tiền thế chấp hoặc tiền thuê nhà, chi phí đó sẽ vẫn như vậy bất kể có bao nhiêu người sống trong nhà. Còn nếu bạn sở hữu nhà riêng, thì còn có chi phí bảo trì tài sản. "Về cơ bản, hầu hết chi phí liên quan đến nhà ở sẽ được cố định cho dù bạn có sống một mình hay không".

Thảo Nguyễn (29 tuổi, TP.HCM) từng có ý định sống một mình. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng tìm nhà, cô đã từ bỏ ý định này. "Đó là vào khoảng năm 2021 sau đại dịch, tôi muốn có một không gian riêng trong tầm giá 3-3,5 triệu đồng/tháng ở các quần gần trung tâm thành phố. Tôi đi xem khá nhiều phòng, căn hộ nhưng cuối cùng vẫn không tìm được nơi nào ưng ý".

Hiện tại, Thảo chia sẻ không gian khoảng 38 m2 ở TP Thủ Đức cùng một người bạn trọ. Tính cả tiền nhà, lẫn điện nước và một vài chi phí lặt vặt khác, mỗi tháng cô đang trả khoảng 2,8-3 triệu đồng.

"Với một căn phòng đầy đủ, mới, sạch và đảm bảo an ninh, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho dù diện tích chỉ bằng một nửa như thế này", cô nói.

Mức sống ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội

Với mức lương 10 triệu đồng/tháng, Nguyễn Phương (28 tuổi, Hà Nội) đã tốn hơn một nửa cho tiền nhà và ăn uống. Mỗi tháng, cô chi 2,5 triệu tiền trọ và 3-4 triệu tiền ăn, chưa kể hàng loạt khoản khác như xăng xe, cà phê, trà sữa, mỹ phẩm, tiền giặt là, ma chay hiếu hỷ…

Từng sinh sống ở cả TP.HCM và Hà Nội, Phương cảm thấy Hà Nội đắt đỏ hơn, đặc biệt về giá nhà trọ và ăn uống.

Theo báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, địa phương này có 3 nhóm chỉ số giá bình quân cao hơn Hà Nội như hàng hóa và dịch vụ khác (121%); giáo dục (117%); đồ uống và thuốc lá (115%).

Trong khi đó, một số nhóm hàng của TP Hồ Chí Minh có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội là may mặc, mũ nón và giày dép (82%); văn hóa, giải trí và du lịch (92%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (94%); thiết bị và đồ dùng gia đình (95%).

TP Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

"Bên cạnh nguồn cung hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, TP đã đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa, theo đó giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn so với Hà Nội", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Năm vừa qua, khi kinh tế khó khăn, Nguyễn Phương, đang là nhân viên bán hàng, cũng chịu ảnh hưởng nhẹ. Thu nhập giảm khiến cô phải cắt bớt các nhu cầu không thiết yếu như mua sắm quần áo, bớt gội đầu ở tiệm và chọn tự giặt quần áo ở nhà thay vì đưa ra hàng giặt là.

Tuy nhiên, cô nàng vẫn duy trì những khoản “đầu tư cho cá nhân”. Phương vẫn đều đặn chi tiền để du lịch cùng bạn bè hay chăm sóc da tại spa, đăng ký lớp boxing.

Thu nhập không quá cao, cô dành một khoản nhỏ để mua bảo hiểm và tập tành đầu tư chứng khoán.

“Tôi mua bảo hiểm 15 triệu đồng/năm. Vài tháng, tôi mua cổ phiếu một lần, với chi phí khoảng 1,5-5 triệu đồng. Tôi chỉ là tay ngang chứ không quá am hiểu về thị trường chứng khoán, đang học hỏi thôi”, cô chia sẻ.

Dù Hà Nội có chi phí sống cao hơn hẳn quê Nghệ An, Nguyễn Phương vẫn muốn gắn bó lâu dài bởi ở đây cô có công việc ổn định, thu nhập tốt và nhiều cơ hội.

Ngược lại, Thảo Nguyễn, làm việc trong lĩnh vực kinh tế, dự tính về quê Quảng Trị khi đến tuổi về hưu. Quảng Trị đang là một trong những địa phương có chi phí sống rẻ nhất cả nước.

"Tôi không biết mình phải tích lũy bao nhiêu và đến khi nào mới có thể mua nhà ở thành phố. Trong khi đó, về quê, mọi thứ đều rẻ hơn, cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn, nhất là khi mình không còn trẻ nữa", Thảo nói.