Cuộc thi ViOlympic mở rộng thêm kênh tương tác mạng xã hội

Thu Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/9, tại trường Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Lễ phát động cuộc thi giải Toán qua mạng ViOlympic năm học 2016 - 2017 đã chính thức diễn ra.

Tham gia lễ phát động có hơn 800 em học sinh đến từ 5 trường trên địa bàn Thủ đô của Hệ thống giáo dục Nguyễn Siêu, Lý Thái Tổ, Ngôi Sao, trường THCS Mạc Đĩnh Chi và THPT Tây Hồ.
 Học sinh hào hứng tham dự Lễ Phát động Violympic
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Cuộc thi là sân chơi trí tuệ bổ ích, động viên sự ham mê toán học của các em học sinh. Trong năm thứ 9 này, với ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo tính bình đẳng tham gia của học sinh trên cả nước, dù đó là vùng sâu vùng xa, là vùng dân tộc thiểu số các em cũng tích cực tham gia.”
Violympic là cuộc thi cấp quốc gia về Toán học trên Internet (tiếng Việt và tiếng Anh) do Bộ GD&ĐT chỉ đạo, Tập đoàn FPT và trường Đại học FPT là đơn vị tổ chức. Cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc với số lượng học sinh đăng ký dự thi lên tới 5 triệu em mỗi năm.
Với sự đầu tư tích cực của tập đoàn FPT, năm học 2016 - 2017 sẽ chứng kiến sự đổi mới toàn diện của ViOlympic về cả nền tảng công nghệ cũng như nội dung. Theo đó, website ViOlympic đã được làm mới hoàn toàn từ giao diện đến việc tăng khả năng bảo mật bằng cách thắt chặt quy trình quản lý, chống tài khoản ảo. Ban tổ chức cuộc thi cũng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai các game thi mới, sử dụng nền tảng công nghệ mới, thân thiện với tất cả các thiết bị, thay cho các game thi cũ với yêu cầu kỹ thuật rườm rà.
Ngoài Toán bằng tiếng Việt và Toán bằng tiếng Anh, ViOlympic sẽ có thêm môn học mới, đó là môn Vật lý, vừa được Bộ GD&ĐT phê duyệt triển khai cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng tạo thêm nhiều khóa học trực tuyến ViOlympic với sự tham gia của các giáo viên giàu kinh nghiệm... Đặc biệt, từ năm nay, cuộc thi sẽ mở rộng thêm các kênh thông tin, tương tác mạng xã hội giúp học sinh, giáo viên và phụ huynh có cơ hội giao lưu, chia sẻ kiến thức dạy và học như tren Facebook, Zalo, Youtube.
 Học sinh chuẩn bị tâm thế trước giờ thi
Bà Nguyễn Thị Ngọc - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học đường (Đại học FPT), đơn vị trực tiếp tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Định hướng của chúng tôi là phát triển các dự án mới nhằm phát triển ViOlympic đã được xúc tiến chuyển giao công nghệ, hỗ trợ triển khai tại Lào. Với sự phối hợp của Bộ GD&ĐT Lào, lễ phát động ViOlympic tại Lào dự kiến sẽ diễn ra trung tuần tháng 11 tới.
Trong tương lai, ViOlympic mang khát vọng xóa đi rào cản địa lý, chia sẻ nguồn kiến thức và tinh thần học tập của học sinh Việt Nam với bạn bè quốc tế cũng như học hỏi những điểm mạnh của các nước bạn, góp phần thúc đẩy phong trào học tập, tạo cảm hứng, động lực cho các em không chỉ riêng môn Toán mà ở tất cả các bộ môn khác...” - bà Ngọc nhấn mạnh.
Với nhiều những dự án mới mẻ và nhiều tiềm năng, ViOlympic thực sự đã, đang và sẽ làn tỏa, tạo cảm hứng, động lực giảng dạy, sáng tạo tới đông đảo các trường học, thầy cô, phụ huynh và các em học sinh trong nước và quốc tế.