KTĐT - Đến hẹn lại lên, trong thời điểm các doanh nghiệp sản xuất đang gấp gáp đẩy mạnh sản xuất để hoàn thiện các đơn hàng đã ký, hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm thì tình trạng thiếu lao động lại “nóng” hơn bao giờ hết.
Thiếu lao động trầm trọng
Nếu như những năm trước, thiếu lao động dường như chỉ xảy ra với các ngành sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ, sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày… năm nay, tình trạng này đã lan sang cả các ngành công nghiệp nặng.
Ông Nguyễn Gia Tường - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết: “Nếu giá than bán cho sản xuất phân bón tăng thì tạo ra cú sốc lớn cho doanh nghiệp. Cân đối vĩ mô của Nhà nước có thể không bị ảnh hưởng, bởi tăng nguồn thu từ doanh nghiệp này thì giảm nguồn thu từ doanh nghiệp khác, nhưng đối với doanh nghiệp, nó sẽ để lại hậu quả, mà trực tiếp là quỹ lương”.
Giá đầu vào tăng dẫn đến lợi nhuận giảm. Lợi nhuận giảm thì quỹ lương giảm. Do vậy, giữ chân người lao động là một việc làm khó. Thiếu lao động lại tác động trở lại đến hiệu quả sản xuất.
Không riêng gì các doanh nghiệp hóa chất, hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành than cũng thiếu lao động trầm trọng. Nguyên nhân là do sự di chuyển tự nhiên của công nhân từ nơi có thu nhập thấp sang nơi có thu nhập cao hơn.
Bên cạnh đó, vì ngành than là ngành sản xuất nguy hiểm nên tâm lý người lao động không ổn định. Lãnh đạo ngành than cho rằng, thiếu lao động sẽ gây khó khăn cho việc duy trì sản xuất cũng như nâng cao sản lượng than đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế quốc dân trong hiện tại và những năm tiếp theo.
Lao động bỏ việc nhiều vì mức lương chưa thỏa đáng (ảnh minh họa) |
Đối với lĩnh vực công nghiệp nhẹ, những ai từng đi qua Quốc lộ 5, địa phận tỉnh Hưng Yên (nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp sản xuất) đều thấy các tấm biển “Tuyển dụng lao động” được trưng bày quanh năm, không chỉ trong dịp cuối năm. Ông Đỗ Đình Định - Tổng giám đốc Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long cho hay: “Chúng tôi lúc nào cũng thiếu lao động, không chỉ tuyển dịp cuối năm. Và cũng không phải riêng công ty tôi thiếu lao động, hàng loạt doanh nghiệp dệt may khác cũng luôn tuyển dụng”.
Khó tăng lương vì chi phí đầu vào tăng
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp, ông Đỗ Đình Định cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do tiền lương của doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Khi các nhu cầu cơ bản của họ chưa thỏa mãn, họ sẽ khó chuyên tâm với công việc”.
Theo ông Định, mặc dù doanh nghiệp rất muốn giữ chân công nhân bằng tiền lương nhưng khó khăn ở chỗ, năm nay, giá cả các nguyên liệu đầu vào: nguyên liệu sản xuất, giá điện, nước, chi phí vận tải… tăng, trong khi giá sản phẩm xuất khẩu nhích lên không đáng kể. Sau khi trừ đi các chi phí sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp còn ít, do vậy khó tăng lương cho công nhân.
Ông Định lấy ví dụ, cách đây hơn 1 tháng, giá gạo tẻ công ty mua về lo bữa ăn cho công nhân ở mức 8.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 10.000 đồng/kg, nhưng giá một chiếc áo sơ mi xuất khẩu vẫn giữ mức 5 USD/chiếc thì công nhân cũng cần chia sẻ áp lực với doanh nghiệp.
Theo ông Định, rất may trong những ngày tỷ giá USD/VND tăng vừa qua, công ty chuyên xuất khẩu như May Hưng Long được hưởng lợi. Nếu phải nhập khẩu nhiều, khó khăn sẽ càng “dày”. Hiện tại, mức lương công nhân của công ty khoảng 3 triệu đồng/tháng, nhưng công nhân phải làm thêm, trung bình 10 tiếng/ngày.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khác nữa khiến lực lượng lao động trong các công ty luôn biến động là do ý thức người lao động Việt Nam chưa cao. Nhiều lao động thấy gò bó trong môi trường sản xuất công nghiệp nên có tâm lý chán nản, muốn bỏ việc. Đối với các ngành công nghiệp nặng, thiếu lao động xảy ra một phần do yếu tố tiền lương, mặt khác cũng do các rủi ro trong an toàn lao động lớn.
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, lực lượng lao động phổ thông tại các địa phương rất dôi dư, nhưng tận dụng được nguồn lao động này không dễ. Bài toán thiếu lao động khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.