Là chuyên gia hàng đầu về CNTT của Việt Nam, bận tham gia nhiều công trình khoa học quốc gia nhưng TS Nguyễn Chí Công vẫn giành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về lịch sử, địa lý. Ông đã đi khắp các đình, chùa, miếu của Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ chụp ảnh, ghi chép và sưu tầm hàng ngàn trang tư liệu. Ông ấp ủ sưu tầm đủ 1.000 di tích của Hà Nội và các vùng lân cận để số hóa, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước.
Vài nét về tác giả
Tác giả Nguyễn Chí Công (sinh năm 1949) vốn là chuyên gia CNTT, từng là lưu học sinh tại Tiệp Khắc (cũ). Khi trở vệ Việt Nam ông đã từng làm Trưởng ban Khoa học công nghệ Hội Tin học Việt Nam, Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về CNTT, là 1 trong 13 sáng lập viên Tập đoàn FPT...
Năm 1995, trong vai trò là Trưởng tiểu ban Mạng của Chương trình quốc gia về CNTT, ông là một trong những người có vai trò quan trọng đưa internet vào Việt Nam (năm 1997) và ứng dụng thành công công nghệ mạng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống. Hiện, ông đang nắm giữ 2 kỷ lục “Người tham gia chế tạo máy vi tính đầu tiên của Việt Nam” và và người thành lập Bảo tàng CNTT đầu tiên tại Việt Nam.
Dày công nghiên cứu lịch sử, địa lý
Ông thừa hưởng gen di truyền của ông nội là chí sĩ Nguyễn Hữu Cầu - một trong những linh hồn của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục. Cha ông chính là giáo sư Nguyễn Hữu Tảo - thầy dạy của nhiều nhân vật nổi tiếng của Việt Nam như: cố TBT Trường Chinh, cố TBT Nguyễn Văn Linh; các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Thế Lữ, Hoàng Thế Thiện… Chú ruột ông là học giả Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha - tác giả Hán Việt từ điển và nhiều bộ sách về Phật giáo. Anh cả TS Nguyễn Chí Công là ông Nguyễn Hải Trừng - một trong những chiến sĩ trẻ đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô.
Từ hồi học cấp 2, dù có thiên hướng học các môn tự nhiên nhưng ông còn say mê tìm đọc các kiến thức về lịch sử, địa lý. Dần theo năm tháng, kho tư liệu về các di tích lịch sử, đường phố, đình, chùa, miếu mạo của ông dày lên đáng kể. Có chuyên môn CNTT, sau này ông sử dụng phương pháp hệ thống thông tin địa lý GIS, cho phép người sử dụng khai thác từ nhiều tầng và giác độ khác nhau: lịch sử, địa lý, kinh tế, quân sự, đô thị, môi trường.
Hiện 2 trang web https://dongtac.hncity.org và https://360.hncity do ông quản lý đều được các nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý, du lịch trong nước xem là địa chỉ tham khảo tin cậy. Rất nhiều di tích của Hà Nội được thể hiện toàn cảnh Panorama 360 độ, sinh động và trực quan có chiều sâu tại https://360.hncity.
Năm 2009, sau 2 năm sưu tầm và chắc lọc các tài liệu một cách công phu, ông đã được Ủy ban KHKT Pháp –Việt tặng thưởng 10.000 euro về thành tích ứng dụng công nghệ mới và những lợi ích mà trang https://360.hncity đem lại cho cộng đồng. Việc sắp xếp thành từng chuyên mục: đình, miếu; chùa và đường phố và tách các phần khác gồm kiến trúc, nghiên cứu, tạp văn và điểm hẹn giúp cho việc tra cứu về Hà Nội được thuận lợi, dễ dàng hơn.
“Ven sông Tô Lịch” là cuốn sách từ những tư liệu quý gồm các bài nghiên cứu và 210 bức ảnh màu trên giấy ảnh về lược sử, địa lý, kiến trúc của 103 di tích đình, đền, chùa, miếu. Tư liệu được sưu tầm đến thời điểm hè năm 2023. Đây cũng là tập sách mở đầu 10 tập "1000 điểm đến Đồng bằng Bắc Bộ" của tác giả Nguyễn Chí Công, do NXB Nông nghiệp ấn hành.
Mở đầu cuốn sách là bài giới thiệu Đình An Hòa, Đình An Phú, Đình, Miếu An Thái (Cầu Giấy, Hà Nội), bài thứ 103 giới thiệu về Đền Yên Thành ở số nhà 28 phố Phan Huy Ích, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Các bài viết đều có cấu trúc chặt chẽ, các cột mốc thời gian rõ ràng, tiện cho việc tra cứu, ảnh minh họa đẹp.
Đọc “Ven sông Tô Lịch” sẽ giúp cho người dân địa phương yêu mến hơn chính mảnh đất mà mình đang sống, khách du lịch sẽ chọn được địa điểm mình yêu thích để tìm hiểu sâu hơn về địa danh này. Các nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý có được một tài liệu quý, độ tin cậy cao.